Cần 10 tiếng để đi từ cửa khẩu Lào Cai về Hà Nội, còn từ Lạng Sơn về thủ đô còn nhanh hơn. Theo các ngả đường này, hoa quả Trung Quốc tràn ngập các chợ đầu mối thủ đô vào buổi sáng.
Ngừng kinh doanh do... Trung Quốc hết mùa rau!
Chợ đầu mối Dịch Vọng, 2 giờ sáng, khung cảnh nhộn nhịp. Chợ lúc này chỉ toàn người bán buôn, với sự khác biệt hết sức rõ ràng thành từng khu, một khu tập trung đông đảo dân buôn từ cửa khẩu về và khu đặc trưng với những chiếc xe máy chất đầy rau xanh.
Tại khu vực rau Trung Quốc, gần 20 chiếc xe tải lớn xếp thành hàng dài, công việc bốc dỡ hàng hóa diễn ra hết sức khẩn trương. Từng đống nông sản thành phẩm chất tạm ra nền trống xung quanh. Bất cứ loại rau quả Trung Quốc nào cũng nằm trong bao bì, đặc biệt vỏ bao, xuất hiện cả tiếng Việt, ví dụ như cải thảo được đóng gói hình hộp, trông như chiếc thùng, ngoài đề nhãn hiệu “Quỳnh Lan, chuyên rau các loại. Made in China”. Khoai tây, bí thì được đóng vào túi bao tải dạng lưới, cà rốt, hành tây... thì nằm trong hộp cạc-tông. Đi sâu vào trong chợ, chúng tôi tìm đến ki-ốt buôn khoai Tuấn Nghĩa, đây là một trong ba nhà chuyên buôn khoai tại chợ đầu mối Dịch Vọng. Công việc giải tỏa hơn 30 tấn khoai của nhà này đã tiến hành xong từ trước đó, từ các bao tải dạng ni-lông, khoai được tuyển chọn, cho vào túi 10 kg một. Một nhân viên tại ki-ốt cho biết: “Khoai tây ta chưa đến mùa, tất cả đây là khoai Trung Quốc sang. Loại này vào khách sạn, loại này vào quán cơm...".
Tiếp cận những chủ hàng tại chợ Dịch Vọng rạng sáng ngày 19.11, PV Thanh Niênnhận được câu trả lời thẳng thắn: Hàng từ Trung Quốc về; uớc tính 80% rau quả tại chợ đầu mối đều chung nguồn gốc “nhập ngoại” vì mới bắt đầu vào mùa đông. Một chủ hàng giọng nửa đùa nửa thật: “Muốn tìm chính xác rau Việt Nam thì hãy đến các chợ đầu mối để làm phép loại trừ. Còn chợ trong thành phố, rất có thể xuất xứ lại không như thế. Thời gian này, ngót, mồng tơi, cải ngọt, cải chíp, cải xoong, su su, su hào, bắp cải có thể chắc chắn là của ta trồng. Nhưng bắp cải, su hào vẫn có hàng Trung Quốc. Bắp cải ta to hơn loại của Trung Quốc, cải thảo ta ngắn cây, lá mỏng hơn loại bên kia biên giới...".
Một người bốc dỡ hàng quay lại với câu nói vội: “Cải thảo của mình chưa vào vụ nên chả ăn của Trung Quốc thì sao?”. Tương tự như với các loại rau, củ, quả khác, hàng Trung Quốc xâm chiếm thị trường khi trong nước chưa đến vụ thu hoạch.
Trong buổi sáng ngày 20.11, khi PV Thanh Niên làm việc với BQL chợ Long Biên, chủ ki-ốt kinh doanh ô số 187 Trịnh Thị Lan và ki-ốt 63 Đào Duy Hiệp khu chợ rau Long Biên đã đến nộp đơn xin nghỉ kinh doanh tạm thời từ 1.12.2009 đến hết tháng 5.2010 với lý do “hàng Trung Quốc hết mùa nên gặp khó khăn trong kinh doanh”. Theo bà Đặng Thúy Ngọc Anh, cán bộ BQL chợ Long Biên: “Đây là hai trong số hàng trăm hộ chuyên kinh doanh rau Trung Quốc tại chợ. Tháng 12 tới sẽ bắt đầu vào vụ rau miền Bắc, giá cả rau sẽ rẻ đi nhanh chóng, rau Trung Quốc không thể cạnh tranh về giá nên sẽ có nhiều hộ nghỉ”.
Lập lờ xuất xứ
Từ gần 2 năm nay, chợ Long Biên đã chuyển thành chợ dân sinh trong thành phố. Vì thế, chỉ có loại xe 2,5 tấn mới được vào chợ trong khi xe chở hoa quả từ biên giới về hầu hết trên 3,5 tấn. Do vậy, 4 phía hàng rào... vẫn mang tính chất của chợ đầu mối, vô số chợ cóc bên cạnh, tiêu biểu như ở bãi Phúc Tân, nằm ngay sát cạnh chợ Long Biên. Ở chợ cóc này, đêm ít cũng 100 xe, đêm nhiều đến 300 xe, xe chở bao nhiêu tùy thích nằm ngay dưới cầu Long Biên tập kết, rồi từ đó tỏa về các địa phương khác. Vào mùa này, hoa quả Trung Quốc “ào” về từ biên giới đại đa số là quýt, cam, táo đá, lê, dưa, lựu, dưa vàng, nho “Mỹ”, táo “châu Úc”... 100% các xe ô tô đang đổ hàng tại chợ đều vừa từ biên giới về.
Đứng giữa chồng chất các hộp quả Trung Quốc đủ chủng loại, chị Hồng, chủ gian hàng hoa quả trong chợ Long Biên tỏ ra đôi chút khó chịu khi có khách hàng liên tục thắc mắc về nguồn gốc hàng hóa. Nhưng khi biết mục đích tìm hiểu của chúng tôi, thái độ chị tích cực hơn hẳn. Tiếp tục chia sẻ, chị Hồng tỏ ra thắc mắc: “Người Trung Quốc đến gian hàng của chị tiếp thị hàng hóa thường xoa xoa quanh quả rồi ăn luôn. Kể ra thì cũng là cách chào hàng tốt, nhưng họ chỉ hay tiến hành cách này vào đầu vụ thu hoạch của họ”.
Tiếp tục để ý, chị Hồng phát hiện ra rằng, tỷ lệ quả hư hỏng vào giai đoạn sau nhiều hơn hẳn, đôi khi có mùi rất lạ. “Vì thế, không bao giờ tôi mua rau quả Trung Quốc khi trong nước đã có hoặc đã hết mùa. Tôi đã từng đặt nhiều dấu hỏi khi có những loại quả theo mùa mà thương lái Trung Quốc sẵn sàng cung cấp quanh năm”, chị Hồng đưa ra kết luận.
Bắt đầu bán nho nhập khẩu từ 1993, chị Thanh Huyền, số 2B Láng Hạ cho rằng: “Không phải cứ nói nho Mỹ, nho Úc... đều là hàng Trung Quốc, thực tế thì vẫn có sản phẩm nhập khẩu chính thức. Nhưng vấn đề chính là ở chỗ, mùa nho Mỹ từ tháng 10 đến hết tháng 11, qua Tết một thời gian thì có nho Úc”. Nếu là người mua hàng, không khó để thấy rất nhiều nơi trong thành phố, kể cả một số siêu thị, quanh năm trưng biển bán nho Mỹ, nho Úc, chị Huyền đặt câu hỏi.
Lê Tùng