Hôm nay:

Hành trình “rửa” nguồn gốc rau quả - Bài 4: Quản lý buông lỏng, người tiêu dùng lãnh đủ


Không chỉ bị “móc túi”, người tiêu dùng còn không biết chất lượng và sự an toàn của những loại rau quả “rửa” nguồn gốc ra sao. Đem băn khoăn này hỏi các cơ quan quản lý, câu trả lời chúng tôi nhận được là “bó tay”!

Không biết có hóa chất gì
Trao đổi với PV Thanh Niên về việc quản lý, kiểm tra trái cây nhập ngoại nói chung và trái cây Trung Quốc nói riêng, ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (TP.HCM), cho biết: “TP.HCM chỉ tự đáp ứng được khoảng 20% lượng rau quả mà người dân thành phố tiêu thụ mỗi ngày, 80% còn lại là nguồn cung cấp từ các tỉnh thành và nhập ngoại, mà nhiều nhất là từ Trung Quốc. Phần lớn trái cây của Trung Quốc vào VN qua các cửa ngõ ở các tỉnh phía Bắc, rồi đưa vào TP.HCM. Việc kiểm tra, kiểm dịch trái cây nhập là thuộc chi cục kiểm dịch của từng vùng (từ Vùng 1 đến Vùng 9), còn chất lượng thực phẩm thì Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật đảm trách”.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, tại các cửa khẩu lượng trái cây ngoại nhập đưa vào VN ào ạt. Không ai chờ 2 - 3 ngày sau để xem trái cây đó có những chất bảo quản, hay tẩm ướp hóa chất gì; mặt khác năng lực kiểm nghiệm còn rất nhiều hạn chế. Vì thế, việc kiểm tra tại đây chỉ là test nhanh, dừng lại ở việc kiểm dịch thực vật, xem trái cây có bị sâu bệnh hay không mà thôi rồi cho vào, chứ chưa kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). “Do vậy, các loại trái cây Trung Quốc có chứa hóa chất, hay những chất bảo quản gì thì lâu nay chúng ta không thể biết”, ông Tiến nói.
 
Lựu Trung Quốc được ghi chung chung là "LỰU"
Vào sâu trong nội địa, việc kiểm tra các chất này cũng không khá gì hơn. Theo tìm hiểu của PV, khi khách hàng có nhu cầu kiểm tra xem một loại thực phẩm nào đó có chứa những hóa chất gì, đến các phòng kiểm nghiệm thường sẽ bị từ chối. Nguyên do năng lực của các phòng kiểm nghiệm trong nước còn rất hạn chế, thiếu phương tiện để định danh, định lượng các chất (hóa chất, độc chất, chất bảo quản...) hiện diện trong thực phẩm nói chung và trái cây nói riêng. Vì thế, các phòng chỉ nhận kiểm nghiệm khi khách hàng đưa ra yêu cầu kiểm tra chất A, chất B cụ thể nào đó (với điều kiện phòng có khả năng kiểm nghiệm). Ngay cả Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM cũng từng lấy mẫu trái cây ngoại để tiến hành phân tích thành phần chất bảo quản. Kết quả: tuy xác định chất bảo quản trái cây là có, nhưng không xác định được đó là chất gì, tác hại cho sức khỏe con người như thế nào...
“Hiện danh mục thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nước có gần 400 hoạt chất thuốc trừ sâu và gần 400 loại thuốc trừ bệnh... Tổng cộng là gần 800 loại. Còn rau quả của Trung Quốc, họ sử dụng những hóa chất, chất bảo quản gì thì chúng ta không thể biết được. Theo tôi, cơ quan chức năng của ta cần sang Trung Quốc để khảo sát, điều tra nắm bắt họ thường sử dụng những chất gì trong trồng trọt, bảo quản cây trái, có bao nhiêu loại. Có được danh mục này rồi mới về xem lại năng lực của các phòng kiểm nghiệm đã kiểm tra được những chất gì, để từ đó đầu tư thêm các phương tiện cần thiết”, ông Tiến đề xuất.
Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Hành trình “rửa” nguồn gốc rau quả nêu thực trạng trái cây, rau củ quả Trung Quốc được các thương lái lo toàn bộ khâu kiểm định tại cửa khẩu, sau đó chở về chợ và không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, kiểm dịch, Văn phòng Bộ Y tế hôm qua 20.11 cho biết, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, Văn phòng đã có công văn đề nghị Cục ATVSTP phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh thông tin và giải quyết vụ việc. Công văn yêu cầu Cục ATVSTP gửi văn bản trả lời về kết quả xác minh thông tin tới Báo Thanh Niên và Văn phòng bộ chậm nhất là vào ngày 23.11.2009.
Quang Duẩn
Rau quả nhập khẩu đang bị thả nổi
Trong những ngày đi thực tế tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chúng tôi nhận thấy mỗi thùng trái cây Trung Quốc đều có nhãn mác bằng tiếng Hoa. Từng xe hàng đưa vào chợ có thêm hóa đơn, giấy chứng nhận kiểm dịch, tem trên thùng của Trung Quốc, nhưng không thấy bất cứ giấy tờ nào của cơ quan chức năng VN cấp kiểm định chất lượng.
Theo Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, vừa qua đoàn thanh tra liên ngành về ATVSTP TP.HCM phát hiện nhiều loại trái cây, rau củ tươi nhập từ Trung Quốc không có nhãn phụ tiếng Việt, giấy chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đáng lo ngại, các mẫu này còn có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn. Thực tế đáng báo động là thế, nhưng khi đặt vấn đề siết chặt quản lý thế nào, thì đại diện các sở, ngành ai cũng lắc đầu “chưa có văn bản, quy chế nào trong việc quản lý hàng rau quả, cũng không có quy định bắt buộc ghi rõ xuất xứ mặt hàng này khi tiêu thụ”(!).
Ông Nguyễn Thế Thông, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM thừa nhận hiện vẫn chưa có quy chế phối hợp trong kiểm tra, xử lý giữa các cơ quan chức năng đối với những mặt hàng rau quả, nhất là hàng Trung Quốc, khi lưu thông trên thị trường. Theo ông Thông, QLTT chỉ kiểm tra, xử lý đối với những mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ số lượng lớn, còn liên quan đến chất lượng, ATVSTP là trách nhiệm của ngành y tế và nông nghiệp - phát triển nông thôn. “Chúng tôi sẵn sàng bắt giữ hàng rau quả nếu chủ hàng không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, nhưng chỗ nào chứa hàng trong khi số lượng hàng rau quả từ cửa khẩu về thành phố mỗi ngày rất lớn? Chưa kể, do đặc thù, loại hàng này không thể niêm phong, để lâu được, phải thuê kho lạnh để bảo quản trong thời gian chờ xử lý, nếu quản lý không khéo thì dễ đền bù”, ông Thông băn khoăn và đề nghị “cần quy định rõ quy chế phối hợp kiểm tra, xử lý mặt hàng này cho rõ ràng, tất nhiên phải do ngành y tế chủ trì, vì hầu hết mặt hàng này đều liên quan đến chất lượng và ATVSTP”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM, cho rằng, thực tế cho thấy do khối lượng rau củ, trái cây nhập khẩu vào thành phố khá lớn, trong khi bộ máy nhân sự lại thiếu nên không đủ sức để kiểm tra, xử lý. “UBND TP đã ký quyết định thành lập Chi cục Quản lý ATVSTP và Sở Y tế đang hoàn chỉnh bộ máy, tổ chức của cơ quan này. Khi có bộ máy chuyên trách, cùng việc tăng cường trang bị các que thử, phòng thí nghiệm... thì tôi tin rằng thành phố sẽ đủ điều kiện để kiểm tra, xử lý sẽ quyết liệt hơn”, bà Anh nói. Mặt khác, bà Anh đề nghị đối với các mặt hàng rau, quả nhập khẩu ở các cửa khẩu, giao dịch tiểu ngạch cần được các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương tăng cường phối hợp kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào lưu thông ra thị trường.
Từ thực tế như nêu trên, có thể thấy rằng hiện chất lượng, ATVSTP của mặt hàng rau quả nhập khẩu chưa được quan tâm đúng mức, cơ quan chức năng còn thả nổi và người tiêu dùng tiếp tục lãnh đủ.
Quá trình tìm hiểu việc “rửa” nguồn gốc rau quả, chúng tôi mua 2 kg hồng giòn, được người bán giới thiệu là hồng Đà Lạt. Hơn 1 tháng trôi qua, chục quả hồng từ ương vàng chuyển dần sang vàng rộm, vỏ vẫn bóng bẩy và luôn tươi roi rói như vừa mới hái... Bà Nguyễn Ánh Hồng, Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Maximart, kể từng mua quýt, cam Trung Quốc về để thử suốt 2 tháng mà chúng vẫn tươi rói, khi mở ra cắn thử thì thấy đắng nghét. Còn một chủ xe chuyên vận chuyển hàng Trung Quốc đường dài gọi điện thoại đến Báo Thanh Niên cung cấp thông tin: những xe đông lạnh chở hàng Trung Quốc luôn được xử lý, phun hóa chất bảo quản. “Có xe chở về đến nơi, mở container ra thì hôi nồng nặc mùi hóa chất gì đó”, anh này nói.
Nhiều bạn đọc phản ánh đến Báo Thanh Niên đề nghị phải tiến hành kiểm tra chất lượng rau quả nhập khẩu trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Một số ý kiến cho rằng nếu trong nước chưa có điều kiện kiểm tra, phát hiện hóa chất, chất bảo quản trên rau, quả... nhập khẩu thì nên lấy mẫu gửi ra nước ngoài giám định ngay để sớm có định hướng cho vấn đề này.
Lê Nga - Minh Nam - Thanh Tùng

Older Post:

Newer Post:

Auto Scroll Stop Scroll