Ngoài các hương liệu để pha chế cà phê, chợ Kim Biên còn có cả những hóa chất mang hương thịt heo, thịt bò. Thậm chí, thuốc nhuộm màu cho giấy cũng được tư vấn để khách mua về nhuộm cho thịt gà, vịt.
Theo nhiều người dân tại TP.HCM, chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM) được thành lập từ những năm 1960. Ban đầu, chợ hoạt động tự phát để trao đổi, mua bán đôla và hàng hóa quân tiếp vụ. Sau giải phóng, chợ được chuyển đổi sang cho tiểu thương thuê sạp để kinh doanh nhiều mặt hàng, trong đó, nổi tiếng nhất là hóa chất công nghiệp và hóa chất thực phẩm..
Chợ Kim Biên nhộn nhịp từ sáng sớm cho tới tận khuya. Suốt dọc tuyến đường Vạn Tượng hai bên hông chợ, hàng chục ki ốt và cửa hàng bày bán các sản phẩm hóa chất. Người ta sẽ dễ choáng ngợp trước các mặt hàng ở đây, diện tích khu chợ không lớn nhưng số lượng hàng hóa là hóa chất, hương liệu thì có thể lên tới gần 100 mặt hàng, từ nguyên phụ liệu giặt tẩy, chống ẩm mốc, hút ẩm, nước xả vải, nước rửa chén, dầu gội, sữa tắm đến hương liệu để tạo mùi thực phẩm, hương liệu tẩm ướp…
Dầu gội, sữa tắm pha chế trên vỉa hè
Trong vai người đi mua hàng, chúng tôi ghé vào sạp không tên ở ngay giữa chợ, phía ngoài nhà ki ốt. Trên sạp bày bán đủ thứ bột trắng có đánh dấu sẵn “nước rửa chén”, “bột tẩy trắng”, “nước xả vải”… Chúng tôi vờ hỏi mua nguyên liệu để làm xà phòng rửa xe. Bà chủ đưa ra một gói bột trắng và bảo: “60.000 đồng/kg, về muốn pha bao nhiêu lít cũng được”.
Hỏi tiếp về mặt hàng bột pha nước rửa chén, bà chủ lại đưa ra một bịch nylon đen trong đó đựng 4 gói, một gói bột trắng mịn được bà giải thích là thành phần chính làm nên nước rửa chén, một gói bột trắng khác có hình như hạt gạo được bà cho biết là “chất tạo bọt”, một gói bột màu hồng đậm là “chất tạo màu” và một gói dạng nước là chất tạo mùi. Tất cả các gói bột đều chỉ được đánh dấu bằng bút lông, không có nơi sản xuất, chẳng có hạn sử dụng. Khi hỏi về cách pha chế, người bán hàng này nói: “Gói này giá 110.000 đồng, nếu muốn pha chế thì tối thiểu cũng được 32 lít nước rửa chén, tùy thuộc vào người pha thôi”.
Chợ Kim Biên vốn nổi tiếng với mặt hàng hóa chất, hương liệu và phụ gia thực phẩm
|
Theo ông Trọng (quận 3, TP.HCM), một người chuyên lấy mặt hàng tẩy rửa tại chợ này để bỏ mối cho đại lý các tỉnh phía Bắc: “Việc mua hóa chất tại chợ này không quá khó, chỉ cần quen biết thì muốn gì có đấy. Với nước rửa chén thì ngoài việc pha chế, muốn ra màu nào, người bán hàng sẽ cung cấp loại màu đó. Mùi thì chỉ có mùi chanh thôi, vì có vẻ người tiêu dùng thích mùi này hơn. Có điều, anh mua về lúc rửa nhớ phải đeo găng tay, cái nước rửa chén này nó ăn tay khiếp lắm”.
Sạp hàng gần đó là của bà B., khi được hỏi về chất tẩy rửa làm trắng rau củ quả, chúng tôi cũng được bà giới thiệu một loại bột trắng nhìn giống như loại bột nước rửa chén đã được xem trước đó. Bà bảo: “Gói này giá 100.000 đồng, đảm bảo khi rửa vào thì rau củ quả sẽ trắng sạch như mới gọt”. Khi chúng tôi hỏi về thành phần của loại bột này, bà B. chỉ lắc đầu và giải thích: “Tôi chỉ biết bán thôi, người ta đưa hàng thế nào thì tôi bán thế ấy, quan tâm làm gì”. Chúng tôi được biết, đây là loại hóa chất có tên là Sulfur dioxide, có thể gây dị ứng và hen suyễn nếu sử dụng nhiều.
Những mặt hàng chất tẩy rửa được bày bán và không cần nhãn mác.
|
Một người đàn ông chủ sạp T.H khi được hỏi về việc muốn mua một lượng lớn nước xả vài về bán lẻ, gắt gỏng: “Downy 8 ngàn, Comfort 7 ngàn”. Tất cả các mặt hàng trong cửa tiệm của ông cũng đều được đựng bằng can nhựa rất bẩn thỉu, cộng thêm thái độ gắt gỏng, chúng tôi cũng lấy làm băn khoăn với việc ông làm sao có thể chiều lòng được với những khách hàng khó tính cùng với các mặt hàng không rõ nguồn gốc như vậy.
Các loại dầu gội, sữa tắm… còn kinh khủng hơn. Một loạt các can nhựa được đặt tràn lan ra cả vỉa hè đường Vạn Tượng. H., một tay sành sỏi trong việc bỏ mối các sản phẩm này tại quận 12, TP.HCM cho biết: “Các loại dầu gội này được bỏ thành can 10-20 lít để đổ cho các tiệm gội đầu, massage… Ông tính, nếu mà gội cho khách như chai Clear bình thường cũng mất đến 70 ngàn đồng. ở đây, một lít có mấy ngàn, tội gì không mua về mà bán. Cùng lắm là khách than thở về việc ngứa đầu, rụng tóc hoặc ngứa da…nên họ nghĩ là dị ứng mỹ phẩm thôi”.
Nhìn các sản phẩm Sunsilk, Clear, Pantene, Dove được sản xuất ngay tại vỉa hè, chúng tôi cũng rùng mình nếu những sản phẩm này được sử dụng trên da đầu trẻ em còn non nớt.
Nhuộm màu được cho giấy thì cũng có thể nhuộm cho gà vịt
Chúng tôi ghé qua một tiệm đầu chợ, chị chủ hàng đon đả chào mời. Khi chúng tôi hỏi mua một sản phẩm để nhuộm màu gia cầm, chị chủ hàng nói: “Màu công nghiệp giá 160.000 đồng/kg, loại này chỉ dùng để nhuộm giấy thôi, anh mua về nhuộm gà vịt cho vàng da thì tôi cũng bán; còn loại màu thực phẩm đến 250.000 đồng/ kg cơ”. Chị chủ cửa hàng đưa chúng tôi xem một gói màu công nghiệp có dạng viên nhỏ như đầu ngón tay, màu đỏ sậm (có thể là ô xít sắt) và bảo: “Chỉ cần vài viên này pha với 10 lít nước, anh có thể nhuộm hàng trăm con gà vàng ươm”. Mới nghe đến thế, chúng tôi đã rùng mình trước món thịt gà khoái khẩu.
Ở góc chợ này, người ta có thể mua được rất nhiều loại phụ gia thực phẩm. Người bán hàng chỉ quan tâm đến nhu cầu khách hàng, những khuyến cáo được đưa ra rất hời hợt.
|
Chúng tôi hỏi một chủ cửa hàng về cách chế biến các loại cà phê, nước chanh, ca cao, nước trái cây thì ông hồn nhiên đáp: “Anh thích mùi cà phê Moka thì mua hương cà phê Moka, thích mùi cà phê Pháp thì mua hương cà phê Pháp, thích ca cao thì mua hương ca cao, thích nước chanh thì có hương nước chanh”. Các loại hóa chất này có thể cho vào từ các công đoạn rang sấy cho đến khi thành phẩm ly cà phê, giá dao động từ 300 ngàn đến khoảng 1 triệu đồng/ kg. Và, ông chủ quả quyết có thể pha chế được hàng ngàn ly cà phê thơm ngon có vị giống như vị của các hãng cà phê danh tiếng.
Ông này còn khẳng định: “Hầu hết các loại sữa đậu nành anh mua ngoài đường với giá rẻ như bèo đều là nước lã pha với hương liệu đậu nành đó thôi”.
Hãi hùng hơn, trong số các mặt hàng bày bán ở chợ có cả những hương vị mà đảm bảo không một bà nội trợ nào dám ngờ tới: “hương thịt heo”, “hương thịt bò”. Đọc được dòng chữ trên can hóa chất, chúng tôi hỏi một người bán thì bà chủ này vô tư trả lời: Đối với thịt heo, thịt bò bệnh hoặc chết phải ướp hóa chất NaHSO3(thường được sử dụng trong ngành cơ khí) dù còn tươi nhưng đã mất mùi, do đó, tẩm thêm một ít chất này thì thịt vẫn có mùi thịt heo, thịt bò như mới. Các loại này có giá khoảng 300.000 đồng/kg.
Người mua có thể tìm mua hương thịt bò, hương thịt heo, hương cà phê Moka... được xếp bên cạnh thùng nước rửa bồn cầu.
|
Mới nghe đến thế thôi chúng tôi đã thấy ghê rợn nhưng bà chủ cửa hàng này cho biết thêm, bà còn bán cả các mặt hàng như hương liệu tôm, cua để nấu bún riêu mà đảm bảo khi nấu xong không ai biết đó là hương tôm cua được làm từ…hóa chất (?!). Ngoài ra, tương tự các loại hương cà phê, các hương thịt bò, thịt heo nếu biết cách sử dụng thì có thể cho ra nhiều sản phẩm khác nhau.
Ví dụ hương thịt heo kho sẽ có mùi của thịt heo kho, nếu dùng thịt heo thật sấy khô và ướp với hương bò sẽ cho ra sản phẩm …khô bò. Bà chủ chào hàng quả quyết rằng: “Chỉ cần một muỗng nhỏ thôi, nồi lẩu 10 lít của anh sẽ ngọt lịm nếu anh dùng loại hương liệu bò này. Mấy khúc xương với vài miếng thịt thì anh bán lẩu cho ai ăn, nếu không có mùi?”.
Trong những ngày đi thực hiện bài viết này, chúng tôi được ông Lê, một chủ cửa hàng ăn uống tại TP.HCM mách nhỏ, thực ra, chất tạo bọt cà phê nếu mua ở chợ Kim Biên là một loại hóa chất thường dùng để sản xuất xà phòng. Nếu muốn cà phê, nước xi rô keo đặc thì dùng CMC, một loại chất dùng để sản xuất keo dán. “Chợ Kim Biên còn có cả những hương liệu dùng để sản xuất xì dầu, nước mắm bằng nước lã nếu anh muốn mua”.
Ông này cho biết thêm, các mặt hàng thực phẩm có màu sắc đẹp thực ra là dùng các nguyên liệu của nghành… nhuộm. Các loại chất này được bày bán rất nhiều tại chợ Kim Biên, theo ông Lê: “Chỉ cần anh quen là mua được thôi. Người làm bún muốn làm trắng bún thì dùng Acid oxalic, người muốn giữ hoa quả tươi lâu để chuyển đi xa thì dùng Carbendazim (một loại chất trị nấm). Người ta vẫn mua về sử dụng đấy thôi, có thấy ai than phiền gì đâu”.
Có quyền được cung cấp thông tin về an toàn vệ sinh thực phẩm
Theo luật sư Phạm Đình Bắc, đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai, trong khoản 2 điều 9, Luật vệ sinh an toàn thực phẩm: Người tiêu dùng thực phẩm có quyền được cung cấp thông tin trung thực về an toàn thực phẩm. Đồng thời, người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin về nguy cơ gây mất an toàn, cách phòng ngừa khi nhận được thông tin cảnh báo đối với thực phẩm. Họ cũng có thể yêu cầu tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật và được bồi thường thiệt hại do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra.
Theo Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm, một mặt hàng hương liệu và phụ gia sản phẩm được phép lưu thông khi có đầy đủ các yếu tố như: tên mặt hàng, địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất, cách bảo quản, thời hạn sử... Thế nhưng, các mặt hàng hóa chất ở chợ Kim Biên khi chúng tôi hỏi mua đều không có các yếu tố trên, thậm chí không có nhãn mác.
|
LĂNG NHU