Hôm nay:

Nhức nhối nạn mỹ phẩm giả hoành hành




(Bảo vệ người tiêu dùng) – Không còn quá xa lạ với cụm từ “mỹ phẩm giả”, nhưng dù cho các phương tiện truyền thông đã cảnh báo rất nhiều, cơ quan chức năng tiến hành xử phạt không ít nhưng nạn mỹ phẩm giả vẫn ngang nhiên hoành hành, thậm chí ngày càng nhiều thủ đoạn thâm độc và tinh vi hơn. Đây đã trở thành một vấn nạn gây nhức nhối cho người tiêu dùng, đặc biệt là phái nữ.


Hàng giả, hàng nhái thương hiệu vẫn không thuyên giảm

Nếu như trong một cuộc khảo sát của PV Phunutoday vào thời điểm tháng 8/2011 xoay quanh các địa điểm buôn bán và tàng trữ nhiều loại mỹ phẩm giả, thì cho đến thời điểm hiện nay, cuối tháng 3/2012 đã gần 7 tháng trôi qua, các cửa hiệu buôn bán mỹ phẩm giả vẫn đương nhiên hoạt động, thậm chí làm ăn ngày càng phát đạt.
Và tất nhiên, nhìn một cách sơ bộ, số lượng hàng giả, hàng nhái mỹ phẩm thương hiệu vẫn không hề có xu hướng thuyên giảm, còn số lượng người mua phải hàng giả thì có xu hướng gia tăng.
 
Nạn mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhái thương hiệu cho đến hiện nay vẫn chưa thuyên giảm
Nạn mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhái thương hiệu cho đến hiện nay vẫn chưa thuyên giảm
Theo một số liệu mới nhất do Ban Chỉ đạo chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại Tp. Hà Nội đưa ra, thì hiện trên cả nước có hơn 15.000 loại mỹ phẩm đã đăng ký lưu hành nhưng số mỹ phẩm có nguồn gốc xuất xứ cụ thể chỉ chiếm một phần nhỏ so với mỹ phẩm trôi nổi, kém chất lượng trên thị trường. Riêng Hà Nội có tới 47% mỹ phẩm là hàng giả.

Tiếp tục dạo một vòng quanh Hà Nội, ghé qua những khu chợ đêm sinh viên, những cửa hàng tạp hoá, các shop mỹ phẩm quy mô lớn, nhỏ… đều dễ dàng bắt gặp hàng loạt các loại mỹ phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng như: Shiseido, Mac, Chanel, E’Tude, Lancome, L’oréal, Maybelline, Dior… và tất nhiên, đều có giá dao động từ vài chục cho đến hơn một trăm nghìn.

“Mua hàng xịn làm gì hả em, dùng hàng này thôi, vừa tiết kiệm mà dùng vẫn tốt, lại vẫn là hàng hiệu hẳn hoi nhé. Nó rẻ chẳng qua là sản xuất ở Trung Quốc thôi, chứ chất lượng thì chẳng thua kém gì, chị dùng cả chục năm nay rồi mà vẫn đẹp, có sao đâu?”
Đó là lời mời chào của chủ cửa hàng mỹ phẩm trên đường Phạm Ngọc Thạch khi thấy tôi nghi ngại về giá thành của sản phẩm ở đây rẻ hơn so với hàng chính hãng rất nhiều.

“Này nhé, cửa hàng của chị có đủ loại thương hiệu: Shiseido, Mac, Chanel, E’Tude, Lancome, L’oréal, Maybelline, Dior… mà giá lại chỉ bằng 1/10 so với hàng chính hãng thôi, vì chị có mối nhập được hàng rẻ, lại không đẩy giá lên quá nhiều như các cửa hàng khác. Em mua ở đây là yên tâm rồi.” – Vừa nói, bà chủ cửa hàng vừa lấy ra một hộp phấn Shiseido có giá hơn 100 nghìn và đưa cho tôi, miệng vẫn nói không ngừng nghỉ.
Vừa nói, bà chủ cửa hàng vừa lấy ra một hộp phấn đưa cho tôi xem
Vừa nói, bà chủ cửa hàng vừa lấy ra một hộp phấn đưa cho tôi xem
Cầm hộp phấn trên tay, nếu quan sát sơ qua thì đúng là không có gì khác biệt so với hàng chính hãng, từ vỏ hộp, màu sắc cho đến từng chữ in trên đó. Nhưng nếu để ý kỹ hơn và đặc biệt mở nắp hộp ra thì thấy sự khác biệt vô cùng. Hộp phấn giả có màu sắc dại hơn, chữ viết lờ mờ, còn phấn trong hộp không mịn, chỉ cần quệt nhẹ là bụi phấn bay ra rất nhiều.

Xem tiếp một số loại mỹ phẩm thương hiệu khác như son của Dior, phấn má Mac, phấn phủ L’oreal, nước hoa Chanel… đều thấy giá thành rất rẻ. Nhưng chỉ cần thử một chút là dễ dàng biết đó là hàng kém chất lượng, bởi rất dễ bay màu, bay mùi, màu sắc không tự nhiên, không có NSX – HSD, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Thủ đoạn tinh vi, phức tạp

Trao đổi với PV về nạn mỹ phẩm giả hoành hành, ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, các thủ đoạn mà các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh mỹ phẩm làm giả ngày càng tinh vi hơn nên gây khó khăn lớn cho lực lượng chức năng.
Hiện thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là xuất hàng theo hợp đồng tại Trung Quốc, sau đó đưa về Việt Nam dưới dạng "hàng xách tay”. Đôi khi, để hợp thức hóa các loại mỹ phẩm giả này, một công ty đứng ra là nhà nhập khẩu chính thức, sau đó họ sang Trung Quốc đặt hàng nhái y chang đưa về tiêu thụ, vẫn đảm bảo giấy tờ nhập khẩu khi cơ quan chức năng kiểm tra.

Một thủ đoạn khác là sản phẩm giả được bày lẫn hàng chính hãng, có giấy phép lưu hành "đánh lận” người tiêu dùng. Đây là cách thức tiêu thụ mỹ phẩm nhập lậu hữu hiệu hiện nay. Theo ông Dũng, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, đối tượng chỉ để số lượng ít hàng lậu ở cửa hàng, còn lại thuê kho để chứa, khi nào hết hàng lại lấy thêm ra để tiêu thụ tiếp.

Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, 11 tháng đầu năm 2011, Chi cục đã kiểm tra, xử lý 105 vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm với hơn 500 ngàn đơn vị sản phẩm các loại.
Trong đó, có nhiều sản phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Head & Shouder, Nivea, Olay cũng như các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam. Các sản phẩm giả này chủ yếu được các đối tượng nhập lậu từ Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia...

Trước thực trạng mỹ phẩm giả hoành hành ngày một công khai và tràn lan, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường hơn nữa các biện pháp ngăn chặn cũng như nâng cao chế tài xử phạt.
Theo ông Dũng, các cơ quan chức năng cần xác định mỹ phẩm là một mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và sức khỏe của số đông người tiêu dùng.
Do đó, phải có kế hoạch kiểm tra, kiểm soát toàn diện, thường xuyên lượng mỹ phẩm lưu thông trên thị trường và đặc biệt chú trọng kiểm soát lượng mỹ phẩm nhập khẩu.
  • Duyên Duyên

Older Post:

Newer Post:

Auto Scroll Stop Scroll