Hôm nay: Thứ Ba, ngày 22 tháng 04 năm 2025

Phát hiện sữa nhiễm hóa chất gây ung thư tại Trung Quốc



Phát hiện sữa nhiễm hóa chất gây ung thư tại Trung Quốc

Tại một trung tâm chăm sóc trẻ em ở Thượng Hải ngày 23/12/11. Trẻ em có nguy cơ bị ung thư vì sữa có nhiễm chất aflatoxine của tập đoàn Mông Ngưu.
Tại một trung tâm chăm sóc trẻ em ở Thượng Hải ngày 23/12/11. Trẻ em có nguy cơ bị ung thư vì sữa có nhiễm chất aflatoxine của tập đoàn Mông Ngưu.
Reuters

Tú Anh
Tập đoàn sữa Mông Ngưu, một trong những tập đoàn thực phẩm hàng đầu tại Trung Quốc, lại bị tai tiếng. Chất độc được phát hiện lần này là aflatoxine, gây ung thư gan. Cách nay ba năm, Mông Ngưu là một trong nhiều công ty sữa Trung Quốc pha melamine vào sữa cho trẻ em, làm 6 đứa bé tử vong và hơn 300.000 em bị bệnh thận.

Trong một bản thông cáo công bố hôm qua, 25/12/2011, tập đoàn sữa quốc doanh Mông Ngưu xin lỗi công chúng về vụ sữa nhiễm aflatoxine. Giới chức kiểm tra chất lượng thực phẩm đã phát hiện trong sữa do Mông Ngưu sản xuất một hàm lượng chất gây ung thư aflatoxine « cao », nhưng đã được phá hủy kịp lúc « trước khi » bán ra thị trường. Hóa chất nguy hiểm này được tìm thấy tại một nhà máy sản xuất của Mông Ngưu tại tỉnh Tứ Xuyên.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, aflatoxine nhiễm vào sữa qua thức ăn của bò sữa bị mốc. Chất aflatoxine làm tăng nguy cơ ung thư gan và nhiều bệnh ung thư khác.
Tại Trung Quốc thường xuyên xảy ra tai tiếng thực phẩm thiếu an toàn vệ sinh, như dầu ăn cũ tái chế, trứng nhuộm màu, nấm gây ung thư, đậu hủ giả, rượu giả v..v….Vụ làm cho công luận bàng hoàng nhất là vào năm 2008 với nạn sữa pha melamine để làm tăng tỷ lệ chất đạm một cách gian dối. Vụ này đã gây tử vong cho 6 trẻ em và khoảng 300 ngàn nạn nhân nhi đồng bị bệnh.


Trung Quốc kết án 113 người sử dụng hóa chất làm tiêu mỡ lợn

Một quầy bán thịt lợn ở chợ Sơn Đông (Reuters)
Một quầy bán thịt lợn ở chợ Sơn Đông (Reuters)

Thanh Hà
Nhật báo China Daily hôm nay (26/11/2011) cho biết trong vụ xử về tội sử dụng chất hóa học clenbuterol làm giảm mỡ heo tại tỉnh Hồ Nam, Tư pháp Trung Quốc vừa tuyên án phạt 113 người, trong đó có 17 công viên chức. Kẻ chủ chốt bị kết án tử hình. Clenbutelol làm tiêu mỡ nhưng gây độc hại cho sức khỏe con người.

Thủ phạm chính trong vụ tai tiếng về an toàn thực phẩm này là ông Lưu Tường bị kết án tử hình, nhưng được hoãn thi hành án trong vòng hai năm. Hãng tin AFP lưu ý : có nhiều khả năng đương sự chỉ bị lãnh án tù chung thân do tại Trung Quốc hình phạt tối cao kèm theo một thời gian hoãn thi hành án này thường được chuyển thành một bản án tù chung thân.
Ông Lưu Tường đã cùng với một cộng tác viên đắc lực điều hành một viện bào chế trái phép để sản xuất chất hóa học clenbuterol. Chất clenbuterol bị cấm sử dụng do là một hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người, gây nhiều triệu chứng như nôn mửa, tim đập mạnh, chóng mặt. Dùng hóa chất này để chăn nuôi, giúp cho heo nạc thịt hơn và như vậy bán được giá cao hơn.
Kết quả điều tra của các giới chức thú y Trung Quốc cho thấy trong thời gian từ 2007 đến tháng 3 năm 2011, viện bào chế của ông Lưu Tường đã bán ra hơn 2 700 kg clenbuterol cho nông dân tại tám tỉnh thành.
Nhân viên nhà nước có liên quan đến vụ tai tiếng về an toàn thực phẩm này bị tuyên án trung bình từ 3 đến 9 năm tù. 36 nhà chăn nuôi bị kết tội sử dụng chất độc hại nói trên thì bị những hình phạt nhẹ hơn.
Trung Quốc thường xuyên phải đối mặt với các vụ tai tiếng về an toàn thực phẩm. Từ vụ sữa trộn mélamine, đến các vụ sử dụng dầu ăn tái chế từ dầu thải, trứng nhiễm độc hay nấm có chất gây ung thư.


Tụ cầu khuẩn trong thực phẩm đông lạnh Trung Quốc

Hải sản đông lạnh của Trung Quốc
Hải sản đông lạnh của Trung Quốc
DR

Thụy My
Dư luận Trung Quốc phản đối việc Bộ Y tế cho phép sự hiện diện của tụ cầu khuẩn trong thực phẩm đông lạnh. Loại tụ cầu khuẩn này có thể gây ra bệnh viêm phổi và viêm màng não.

Theo các quy định mới của Bộ Y tế Trung Quốc được công bố ngày 24/11/2011, một lượng nhỏ tụ cầu vàng được cho phép hiện diện trong các sản phẩm đông lạnh như cơm hay mì.
Hãng tin AFP nhắc lại, gần đây cơ quan quản lý y tế Trung Quốc đã ra lệnh thu hồi các loại sản phẩm như há cảo của công ty Synear Food – một trong những nhà sản xuất thực phẩm đông lạnh lớn nhất – sau khi phát hiện tụ cầu vàng trong mặt hàng trên. Loại tụ cầu khuẩn này có thể gây ra bệnh viêm phổi và viêm màng não.
Nhân dân Nhật báo đã phẫn nộ kêu gọi Bộ Y tế phải “đáp ứng nỗi lo ngại của công chúng” vì “không thể làm ngơ trước sự quan ngại của người dân về an toàn thực phẩm”. Tờ báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc đã nêu lên “sự cần thiết phải lập lại lòng tin về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm”, nhắc nhở các xì-căng-đan đã gây xôn xao trong những năm gần đây như sữa nhiễm melamine hay dầu tái chế từ dầu thải thu hồi được ở những ống cống.
Phản ứng của cư dân mạng cũng tương tự. Một blogger viết : “Với các tiêu chuẩn mới này, thì độc chất được cho phép hiện diện trong thực phẩm miễn là chưa đến mức gây chết người”.
Hồi tháng 9/2010, Bộ Công an Trung Quốc đã kêu gọi tăng cường các biện pháp trừng phạt thậm chí có thể tử hình, đối với những người gây ra các vụ tai tiếng về thực phẩm nghiêm trọng nhất.


Rượu vang giả : thị trường béo bở của gian thương Trung Quốc

Rượu vang sản xuất tại Trung Quốc
Rượu vang sản xuất tại Trung Quốc
Reuters

Tú Anh
Sau quần áo, xắc tay sang trọng và linh kiện điện tử đến lượt rượu vang của Pháp bị Trung Quốc làm giả. Nạn nhân là những nhãn hiệu danh tiếng của rượu Bordeaux mà từ hai năm nay là thức uống thời thượng của tầng lớp nhà giàu mới ở Hoa lục. Nhưng « kẻ cắp gặp bà già », cảnh sát điều tra của Pháp có cách phát hiện hàng nhái một cách dễ dàng, chỉ có dân Trung Quốc là phải bỏ hàng ngàn đôla để uống nước nho lên men pha đường.

Đối với 60 triệu nhà giàu mới tại Trung Quốc thì uống « rượu tây » là biểu hiểu của sự thành công và lịch lãm. Theo một nhà điều tra Pháp, thì trong năm qua số lượng rượu Bordeaux xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc tăng gấp đôi so với 2009.
Giới « đại gia » sẵn sàng bỏ ra từ vài trăm, thậm chí hàng ngàn đôla để khui một chai Bordeaux danh tiếng.
Bắt mạch biết thành phần thích phô trương này không phân biệt được rượu ngon rượu dở, gian thương Trung Quốc thừa cơ lạm dụng tận tình.
Cũng theo các nhà điều tra Pháp thì để làm một chai rượu giả, gian thương mua vỏ chai thật, dán nhãn cóp bằng kỹ thuật vi tính, sau đó bơm rượu rẻ tiền, đóng nút và cứ thế mà tung ra thị trường.
Tại Trung Quốc, giới sành điệu rỉ tai nhau hiệu Bordeaux Château-Lafite năm 1982 là loại « xịn nhất ». Giá của một số chai rượu vang này lên đến 8 500 đôla, cao gấp 10 năm lương của một công nhân có tay nghề.
Romain Vandevoorde, một nhà nhập cảng rượu vang Pháp tại Bắc Kinh cho biết « số chai rượu Lafite 1982 trên thị trường Trung Quốc nhiều hơn là số chai sản xuất tại Pháp ».
Theo một viên chức hải quan của Pháp, sở dĩ nạn làm rượu giả tại Trung Quốc nẩy nở một phần là do người tiêu thụ kém hiểu biết. Ngày nào mà dân dùng rượu phân biệt được thế nào là rượu ngon rượu dở thì lúc đó công việc bài trừ nạn đánh cắp nhãn hiệu sẽ tiến một bước dài.
Tuy nhiên nếu « vỏ quýt dày sẽ gặp móng tay nhọn », cơ quan Pháp chống rượu giả, rượu pha trộn có một vũ khí rất giản dị và hiệu quả. Đây là công việc của một trung tâm hóa học nằm ở ngoại ô thành phố Bordeaux với khoảng 50 nhân viên chuyên về an toàn thực phẩm và đặc biệt là chống rượu không đúng nhãn hiệu.
Giám đốc Bernard Médina tuyên bố với báo chí một cách bông đùa : công việc của chúng tôi rất giản dị : mỗi năm vào mùa hái nho, hàng ngàn ký lô nho từ khắp vùng miền Tây nước Pháp được gởi về trung tâm này để được lên men và phân loại làm « mẫu dữ kiện căn bản ».
Do vậy bất cứ một hình thức làm giả nào cũng không thoát khỏi bửu bối trong kho trữ liệu càng ngày càng dồi dào.
Mỗi năm Viện phân tích chất lượng nhận khoảng 3 000 chai rượu Pháp cũng như từ nước ngoài gởi về xin phân chất.


Dấm nhiễm độc tại Trung Quốc làm 11 người tử vong

Tại Trung Quốc, lại rộ lên vụ nước dấm bị nhiễm hóa chất (DR)
Tại Trung Quốc, lại rộ lên vụ nước dấm bị nhiễm hóa chất (DR)

Tú Anh
Tại Trung Quốc, 11 người thiệt mạng và 120 người khác lâm bệnh do ăn phải dấm nhiễm hóa chất chống đông trong máy xe hơi. Vụ việc xảy ra tại Tân Cương trong bối cảnh Trung Quốc thường xuyên bị tai tiếng thực phẩm nhiễm độc.

Tân Hoa xã trích dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết một vụ trúng độc tập thể đã gây tử vong cho 11 người trong đó có một em bé sáu tuổi và 120 người phải nhập viện sau một buổi tiệc tại Tân Cương.
Tất cả nạn nhân là dân cùng một làng ở Tang Châu, tỉnh Tân Cương, tham dự buổi ăn tối sau ngày nhịn ăn trong dịp mùa chay Hồi giáo Ramadan. Cảnh sát điều tra cho rằng dân làng đã ăn phải dấm chứa trong các bình đựng hóa chất chống đông không rửa sạch.
Hóa chất éthylène glycole trong chất chống đông gây nhiều biến chứng cho bộ máy tiêu hóa như nôn mửa, tiêu chảy và hôn mê.
Bản tin không nói họ bị trúng độc lúc nào nhưng đến thứ hai hôm nay thì có 11 người chết, một người đang ở trong tình trạng nguy kịch nhưng tuyệt đại đa số các nạn nhân khác đã qua khỏi.
Trong những tháng qua, công luận Trung Quốc bị chấn động vì hàng loạt tai tiếng thực phẩm nhiễm độc : dầu ăn tái sử dụng, trứng sơn màu hại sức khỏe, nấm gây ung thư, đậu hủ giả, rượu quá hạn …


Tại Trung Quốc, một đường dây chế biến dầu ăn cũ bị phát hiện

Một cơ sở chế dầu ăn từ dầu thải bị phát hiện tại Bắc Kinh năm 2010
Một cơ sở chế dầu ăn từ dầu thải bị phát hiện tại Bắc Kinh năm 2010
Reuters

Tú Anh
Bộ Công an Trung Quốc hôm nay (13/09/2011) thông báo đã bắt giam 32 gian thương, tịch thu 100 tấn dầu - được chế biến từ dầu phế thải từ ống cống nhà hàng ăn - sắp được tung ra thị trường. Loại dầu pha chế này ước tính chiếm 10% khối lượng dầu tiêu thụ hàng năm tại Trung Quốc.

Theo bản tin của AFP từ Bắc Kinh, chiến dịch truy bắt đường dây pha chế dấu ăn cũ đã được tiến hành một năm sau khi báo chí chính thức báo động có cả một hệ thống phân phối và tiêu thụ dầu ăn cũ « thu hồi » từ « ống cống nhà hàng ».
Bộ công an Trung Quốc hôm nay cho biết sau khi thu thập thông tin vào tháng 3 năm nay, họ đã mở cuộc điều tra kéo dài 4 tháng và cuối cùng phát hiện được 6 địa điểm cung cấp dầu ăn chế biến, tịch thu hơn 100 tấn dầu xuất xứ từ ống cống và bắt giam 32 người.
Đường dây này hoạt động trong địa bàn 3 tỉnh, gồm Triết Giang ở miền đông Trung Quốc, Tứ Xuyên và Quý Châu ở vùng tây nam từ năm 2009 đến nay.
Mượn danh nghĩa biến chế « nhiên liệu sạch », nhóm gian thương này mua lại dầu ăn phế thải mà các quán ăn đổ ra cống, sau đó họ biến chế thành « dầu ăn » rồi bán ra thị trường.
Vào lúc báo chí tiết lộ việc làm mờ ám này hồi năm 2010 , các chuyên gia Trung Quốc thẩm định là đã có từ 2 triệu đến 3 triệu tấn dầu chế biến này được tiêu thụ hàng năm tại Trung Quốc, chiếm khoảng 10% thị trường.
Không ai rõ là tại Trung Quốc có bao nhiêu đường dây gian thương tương tự như nhóm 32 người mới bị bắt và tệ nạn lừa đảo này có từ năm nào ?
Chính quyền Trung Quốc cho biết là đã tăng cường biện pháp kiểm soát vệ sinh nhưng rất khó diệt trừ được hiện tượng làm ăn gian trá này, vì lợi nhuận rất lớn.
Tệ nạn thực phẩm thiếu vệ sinh, sữa pha hóa chất, thuốc giả hàng giả là một hiện tượng phổ biến tại nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa mà nạn nhân đầu tiên là người dân Trung Quốc và các nước nhập khẩu thiếu hàng rào kiểm soát chặt chẽ.


Dưa hấu Trung Quốc bị nổ vì thuốc kích thích tăng trưởng

Hiện tương hàng loạt dưa dấu bị tự nổ có thể liên quan đến việc dùng hóa chất trong trồng và sau thu hoạch
Hiện tương hàng loạt dưa dấu bị tự nổ có thể liên quan đến việc dùng hóa chất trong trồng và sau thu hoạch
Nguồn:Internet

Mai Vân
Trong những ngày qua, một hiện tượng kỳ lạ đang gây hoang mang cho nông dân và dư luận Trung Quốc : đó là hiện tượng dưa hấu bị nổ hàng loạt. Gần 50 hecta dưa trồng ở thành phố Đan Dương (Giang Tô), đã bị mất trắng.

Theo một số giải thích đây là do nông dân sử dụng quá nhiều hoá chất, cụ thể là chất forchlorfenuron, dùng để kích thích tăng trưởng.
Hãng tin Pháp AFP đã trích lời một nông dân, giải thích trên đài truyên hình nhà nước là sáng ngày 07/05, ông đã đếm được 80 quả dưa bị nổ. Qua buổi chiều thì số dưa bị nổ đã lên đến cả trăm. Nông dân này cũng giải thích là đã tưới dưa của mình với hoá chất nói trên. Chất này làm cho quả dưa to lớn hơn, có màu tươi tốt, và năng suất cũng cao hơn. Và nhất là không bị cấm bán trên thị trường.
Tuy nhiên theo giới truyền thông Trung Quốc, các đợt mưa to vừa qua, cũng có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng dưa bị nổ. Lý do là những nông dân không sử dụng chất kích thích tăng trưởng cũng thấy dưa của họ bị nổ như thế.
Hiện tượng lạ thường kể trên đã khiến cho dân chúng thêm lo ngại về chất lượng thực phẩm tại Trung Quốc, cũng như về khả năng của chính quyền bảo đảm được an toàn cho họ trên mặt này.


Gần 50% công ty sữa Trung Quốc bị đóng cửa

Tú Anh
Cơ quan thanh tra và kiểm soát vệ sinh thực phẩm Trung Quốc hôm nay cho biết là gần 50% số công ty sản xuất sữa hộp và sữa bột đã nhận được lệnh ngưng hoạt động. Năm 2008, ngành sản xuất sữa tại Trung Quốc bị tai tiếng nặng nề lan ra khắp thế giới trong vụ pha thêm hóa chất đánh lừa khách hàng và các cơ quan kiểm nghiệm chất lượng.

Để tạo lại uy tính cho ngành công nghiệp bị tai tiếng do gian thương pha hóa chất melemine gây cái chết cho 6 trẻ em và 300 ngàn nạn nhân tí hon khác bị suy thận, chính quyền Trung Quốc đã thanh tra toàn thể 1.176 xí nghiệp sữa trên toàn quốc.
Kết quả, chỉ có 643 công ty hội đủ điều kiện và được tái triển hạn giấy phép. 423 công ty không đủ tiêu chuẩn và 107 xí nghiệp còn lại đã phải đóng cửa.
Phát ngôn viên của Cơ quan thanh tra an toàn vệ sinh cho biết thêm, từ nay về sau việc kiểm soát tiếp tục được tiến hành nghiêm ngặt, kể cả những cơ sở sản xuất qua được kỳ thanh tra vừa rồi cũng sẽ bị kiểm soát lại.
Qui mô trừng phạt của Cơ quan an toàn và vệ sinh thực phẩm như vậy là nhiều gấp đôi so với thẩm định được Hiệp Hội các nhà sản xuất sữa đưa ra hôm đầu tuần. Theo thẩm định của Hiệp hội này, chỉ có khoảng  20% cơ sở phải bị đóng cửa mà thôi.


No comments:

Post a Comment

Older Post:

Newer Post:

Auto Scroll Stop Scroll