Hôm nay:

Ai 'tiếp tay' cho hoa quả độc Trung Quốc thoải mái tuồn vào Việt Nam?

(VTC News) – Mỗi năm có hàng trăm tấn rau quả độc hại từ Trung Quốc dễ dàng tuồn vào Việt Nam chính là do “lỗ hổng” của Thông tư 13/2011/TT- BNNPTNT.
Gần đây, các phương tiện truyền thông đại chúng liên tiếp đưa thông tin về việc hoa quả độc hại Trung Quốc  ngày càng tuồn vào thị trường Việt Nam dễ dàng hơn.

Nhiều bài điều tra, nhiều phóng sự truyền hình được thực hiện nhằm làm rõ những kẽ hở - căn nguyên khiến hàng độc Trung Quốc vô tư tràn vào Việt Nam qua cả đường chính ngạch và tiểu ngạch.

Mới đây nhất, một phóng sự ngắn do VTV thực hiện đã chỉ rõ, chính lỗ hổng trong khâu kiểm nghiệm hàng hóa nhập khẩu tại biên giới Việt – Trung là nguyên nhân khiến mỗi ngày có hàng chục tấn hoa quả độc Trung Quốc tràn vào, đầu độc người dân Việt Nam.

Câu hỏi vì sao hàng nhập khẩu từ Trung Quốc không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng lại có thể lọt vào thị trường Việt Nam dễ dàng tiếp tục được dư luận đặt ra, chờ câu trả lời từ cơ quan quản lý nhà nước.

Ai 'tiếp tay' cho hoa quả độc Trung Quốc thoải mái tuồn vào Việt Nam?
hiều loại hoa quả độc Trung Quốc đang được bày bán tràn lan ở thị trường Việt Nam  - Ảnh minh họa

Thực tế, không phải chờ đến khi phóng sự của VTV phát đi, hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam mới giật mình vì “lỗ hổng” khủng khiếp ở khâu kiểm nghiệm hàng hóa nhập khẩu tại biên giới Việt – Trung.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2014, khi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNN) công bố có tới 280 tấn rau, củ, quả nhập khẩu từ Trung Quốc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép đã được đưa vào tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2013, nhiều người đã giật mình đặt câu hỏi “Kẽ hở nào cho hàng độc hại Trung Quốc vào Việt Nam quá dễ dàng”?

Không những thế, nhiều người còn thắc mắc vì không hiểu sao việc công bố gần 300 tấn rau, quả Trung Quốc nhiễm độc vào Việt Nam lại được thực hiện sau những một năm? Điều đó đồng nghĩa với việc, chắc chắn mấy trăm tấn hàng hóa độc hại đã được người tiêu dùng vô tư sử dụng mà không hề biết mình đang bị đầu độc trắng trợn.

Trả lời báo chí về việc gần 300 tấn hàng hóa độc hại được công bố đó giờ đang ở đâu, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNN) hồn nhiên: “hiện gần 300 tấn đã ra thị trường hết rồi” và… cơ quan quản lý hoàn toàn vô can (!)

Lý do mà ông này đưa ra là việc xử lý, kiểm định mẫu thực phẩm nhập khẩu được tuân thủ theo đúng quy định tại Thông tư 13 của Bộ NN&PTNT.

Như vậy rõ ràng Thông tư 13 của Bộ Nông nghiệp đang “tiếp tay” cho thực phẩm độc Trung Quốc dễ dàng chảy vào tiêu thụ tại Việt Nam?

Quả thật, theo quy định tại điều 14 của thông tư này, thì phương thức kiểm tra, lấy mẫu thông thường được áp dụng theo cách: “Thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng kiểm tra theo tần suất tối đa đến 10% tùy theo mức độ rủi ro của hàng hóa”.

Ngoài ra, “việc lấy mẫu kiểm nghiệm được thực hiện bất kỳ trong số các lô hàng kiểm tra nhập khẩu” và “lô hàng kiểm tra được phép làm thủ tục thông quan không phải chờ kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu ATTP”, thông tư nêu rõ.

Như vậy, rõ ràng, khi hàng Trung Quốc được nhập về Việt Nam chờ thông quan tại các cửa khẩu, cơ quan kiểm định chỉ việc lấy mẫu ngẫu nhiên vài kg rồi mang đi kiểm định, và ngay lập tức xe hàng sẽ được làm thủ tục thông quan dù chưa biết kết quả lô hàng đó có an toàn hay không.

Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) khẳng định “đó là quy định hoàn toàn đúng, theo thông lệ quốc tế” nhưng với những người dù không nắm chắc cũng nhìn ra kẽ hở của thông tư này.

Tại sao hàng hóa lại dễ dàng được thông quan, được cho phép bán ra trong khi kết quả kiểm định chưa có? Làm vậy chẳng hóa đồng nghĩa với việc kiểm định chỉ để “cho vui”, hay nói theo cách của cơ quan quản lý là “để cảnh báo những lô hàng sau”?

Vấn đề là mỗi ngày có biết bao nhiêu tấn hoa quả độc được cơ quan quản lý cho phép chuyển đến tay người tiêu dùng Việt Nam và ai chịu trách nhiệm về sự nguy hại này nếu cơ quan quản lý cứ một mực “chúng tôi thực hiện đúng theo Thông tư”?

Kẽ hở tại Thông tư 13 đã rất rõ ràng và vấn đề đặt ra là cần thiết phải điều chỉnh ngay Thông tư này cho phù hợp với yêu cầu thực tế, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Cục BVTV đã khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Trong trường hợp này Việt Nam đã làm theo đúng trình tự quy định theo thông lệ quốc tế. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ không phải sửa đổi gì quy định hiện hành”.

Dư luận cho rằng, trước một sự việc dù “đúng theo quy định”, nhưng chắc chắn đang có hại cho dân thì với người có trách nhiệm, không bao giờ được phép trả lời dửng dưng như thế!

Điều 14, Thông tư 13 quy định về Phương thức kiểm tra, lấy mẫu kiểm định: 
 
Hàng hóa nhập khẩu phải được lấy mẫu tại địa điểm do cơ quan kiểm tra quyết định (tại cửa khẩu, nơi tập kết hoặc trong kho bảo quản). Phương thức kiểm tra, lấy mẫu được áp dụng như sau:
1. Kiểm tra thông thường: Thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng kiểm tra theo tần suất tối đa đến 10% tùy theo mức độ rủi ro của hàng hóa. Tần suất này được áp dụng đối với từng địa điểm nhập khẩu. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm được thực hiện bất kỳ trong số các lô hàng kiểm tra nhập khẩu. Lô hàng kiểm tra được phép làm thủ tục thông quan không phải chờ kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu ATTP.
2. Kiểm tra chặt: Thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm lô hàng kiểm tra theo tần suất 30% khi phát hiện 01 (một) lô hàng kiểm tra trước đó vi phạm nghiêm trọng quy định về ATTP; tần suất 100% khi phát hiện 02 (hai) lô hàng kiểm tra liên tiếp trước đó vi phạm nghiêm trọng quy định về ATTP. Trong các trường hợp này, chủ hàng phải tự bảo quản hàng hóa (tại cửa khẩu, nơi tập kết hoặc kho bảo quản) và chỉ được thông quan khi có chứng nhận về ATTP do cơ quan kiểm tra cấp hoặc được cơ quan kiểm tra cho phép.
Trường hợp kiểm nghiệm mẫu 02 (hai) lô hàng kiểm tra liên tiếp có kết quả đạt yêu cầu thì sẽ áp dụng phương thức kiểm tra thông thường.


Lan Uyên

(VTC News)

No comments:

Post a Comment

Older Post:

Newer Post:

Auto Scroll Stop Scroll