Hãi hùng Đông dược trộn độc chất!
Thứ Sáu, 19/10/2012 23:17Trong số hàng trăm mẫu dược liệu vừa được Bộ Y tế kiểm nghiệm đã phát hiện có tới 60% mẫu không đạt chất lượng, không ít vị thuốc được trộn với xi măng, bột gạch, phẩm màu...
Theo Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế), kết quả kiểm tra định tính, định lượng và tạp chất do Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương thực hiện mới đây với gần 400 mẫu dược liệu cho thấy có đến 60% mẫu chưa đạt chất lượng theo Dược điển Việt Nam và 20% vị thuốc có sự nhầm lẫn giữa các loại, trộn lẫn hóa chất độc hại và hàm lượng hoạt chất đạt thấp.
Kiểm nghiệm đông dược tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương
Làm giả tinh vi
Kết quả kiểm nghiệm đã chỉ ra 4 nhóm dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền có trộn tạp chất, nhuộm màu và giả mạo như bạch linh, hoài sơn, thỏ ty tử, hồng hoa. Các vị thuốc lẫn nhiều tạp chất như bá tử nhân, tế tân, viễn chí, hòe hoa, phòng phong, uy linh tiên, tần giao, kim ngân hoa. Một số vị thuốc bị nhầm lẫn loài như dây đau xương, tang ký sinh, ý dĩ, thăng ma, hoàng kỳ. Ngoài ra, một số vị thuốc sử dụng không đúng bộ phận dùng như kim ngân hoa (sử dụng kim ngân đằng), liên nhục (dùng nắp hạt sen), phục thần (dùng bạch linh)...
Điều bất ngờ trong đợt kiểm tra này, theo bà Trần Thị Hồng Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền, là các vị thuốc đông y, dược liệu được làm giả rất tinh vi. Điển hình là vị thuốc bạch linh. Nếu trước đây để phát hiện bạch linh giả, người ta thử nghiệm bằng cách cho vào nước sẽ tan nhanh nhưng nay vị thuốc này đã được “tẩm” canxi cabonat để thuốc không tan trong nước; dược liệu thỏ ty tử không chỉ có trộn bột xi măng mà còn “nhuộm” các chất vô cơ khác. Hay vị thuốc hồng hoa phát hiện có hóa chất nhuộm màu để thuốc trông bắt mắt và “nặng ký” hơn. Dù chưa xác định đích danh chất nhuộm màu là gì nhưng bà Phương cho rằng dược liệu hồng hoa nhuộm chất màu, khi vào cơ thể, hóa chất sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, sử dụng lâu dài có thể dẫn đến ung thư.
Ngoài ra, nhiều dược liệu khác cũng bị làm giả là ô dược bằng rễ sim; ý dĩ làm giả bằng hạt cao lương và một số mẫu dược liệu “ướp” thuốc nhuộm hay hóa chất RhodaminB (chất nhuộm màu công nghiệp gây ung thư) độc hại để bảo quản lâu dài.
Phần lớn nhập từ Trung Quốc
Theo lương y Nguyễn Kim Bảng, chủ một hiệu thuốc đông y gia truyền trên phố Lãn Ông (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội), dược liệu và vị thuốc đông y phần lớn được nhập từ Trung Quốc và được phân làm nhiều nhóm với nhiều mức giá khác nhau. Có những vị thuốc giả giống y nguyên thuốc thật, nếu không có kinh nghiệm sẽ không phân biệt được đâu là vị thuốc tốt, thuốc kém chất lượng.
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Đông y (Bệnh viện 108, Hà Nội), cho biết mặc dù các vị thuốc y học cổ truyền được kiểm soát khá chặt trước khi nhập vào bệnh viện nhưng trong quá trình kiểm nghiệm ngẫu nhiên đôi lúc cũng phát hiện một số vị thuốc hàm lượng hoạt chất thấp, thuốc nhuộm màu hoặc bị làm giả như: hồng hoa, bạch linh, hoàng bá…
Theo Vụ Y dược cổ truyền, ngoài một số ít hãng nhập khẩu dược liệu chính thức bảo đảm về chất lượng, còn lại 90% dược liệu đang lưu hành trên thị trường được nhập lậu qua các đường tiểu ngạch từ Trung Quốc, không thể kiểm soát chất lượng. Các đợt kiểm tra trước đây, cơ quan kiểm nghiệm còn phát hiện một số dược liệu nhập khẩu đắt tiền như hoàng kỳ, nhân sâm... trước khi bán sang Việt Nam đã tách chiết hết hoạt chất, không còn tác dụng dược lý. Đáng nói là những loại dược liệu “rác” này qua nhiều đầu mối đã được đẩy giá đắt ngang với dược liệu thật.
Đông dược giả có thể gây chết người Theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, qua phân tích các mẫu dược liệu trên thị trường đã phát hiện 8% - 10% các mẫu dược liệu, đông dược không đạt chất lượng hoặc có chứa những chất không có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Nguy hiểm hơn là một số mẫu thuốc đông dược có chứa tân dược. Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn cho rằng nếu thuốc chứa những hoạt chất gây độc sẽ dẫn đến những tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, dị ứng, nổi mày đay, thậm chí suy gan, thận, nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng. |
Bài và ảnh: NGỌC DUNG
http://nld.com.vn/20121019110923882p0c1050/hai-hung-dong-duoc-tron-doc-chat.htm
No comments:
Post a Comment