Theo chủ CS B.T. (Q.6), từ giữa năm đã có nhiều mối đến chào hàng loại đường cát có giá rẻ hơn so với giá đường trong nước từ 2.000 - 3.000 đồng/kg; lấy từ 10 bao (50kg/bao) trở lên còn được giảm thêm 10% - 15%. Loại đường này trên vỏ bao chỉ ghi chữ “Đường” bằng mực viết tay, hỏi nguồn gốc thì người bán nói là “đường cát Thái Lan chuyển từ An Giang lên nên giá rẻ”.
“Đường Biên Hòa” thật, giả rất khó phân biệt |
Tại một số đại lý chuyên cung cấp đường sỉ ở khu vực Q.6, ngoài đường Biên Hòa giá 17.500 - 18.500 đồng/kg, người bán còn giới thiệu nhiều loại đường với mức giá chỉ từ 15.000 - 17.000 đồng/kg nhưng rất khó phân biệt từng loại. Hầu hết các loại đường này đều được vô bao sẵn loại 20kg, 50kg, không có bất kỳ thông tin gì về nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng của sản phẩm. Lại có dạng đường nhập lậu không hóa đơn chứng từ chứa trong bao không nhãn mác, được chiết sang gói nhỏ loại 500g và 1kg nhưng trên bao bì lại in “Đường tinh luyện Biên Hòa, sản xuất tại Công ty CP đường Biên Hòa, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 - Đồng Nai - Việt Nam”.
Bên cạnh mặt hàng đường, đáng lo ngại hơn là tại các chợ còn tràn ngập loại bột ngọt không nhãn mác, đóng trong bao ni lông trắng từ 400g - 1kg, không có bất kỳ thông tin gì về sản phẩm và loại bột ngọt có nhãn ghi toàn chữ Hoa hoặc chữ Thái, không có tiếng Việt. Người bán cho biết, đó là bột ngọt hiệu “cái muỗng” hay còn gọi là “vị hương” (gọi theo hình cái muỗng và chữ Hoa in trên bao bì sản phẩm), hạn sử dụng 5 năm kể từ ngày SX, nhưng không thấy ngày SX và cũng không có số công bố chất lượng.
Trước tình trạng này, vừa qua, Cục QLTT (Bộ Công thương) đã phải gửi công văn đến Chi cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hóa đơn chứng từ hàng hóa và việc ghi nhãn hàng hóa nhằm ngăn chặn bột ngọt lậu để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng (NTD).
Đáng lo là không chỉ NTD ham rẻ chọn mua đường, bột ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng… mà nhiều quán ăn, vì lợi nhuận, đã không ngần ngại mua các sản phẩm trôi nổi này để nêm nếm thức ăn phục vụ thực khách.
Kết quả kiểm định hai mẫu bột ngọt “cái muỗng” và Chùa Vàng mới đây của Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM cho thấy, hàm lượng monosodium glutamat (bột ngọt) lần lượt đạt 98,2% và 98,7%; trong khi theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1459:2008, chất chính monosodium glutamat trong bột ngọt không được nhỏ hơn 99%.
Đường, bột ngọt không rõ nguồn gốc không chỉ tiềm ẩn nguy cơ độc hại cho sức khỏe NTD mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu và sự cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp trong nước. Thế nhưng, khi chúng tôi liên hệ đề nghị cung cấp thông tin tư vấn cho NTD cách phân biệt sản phẩm thật, giả để tránh mua nhầm hàng kém chất lượng thì phía doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả không hề có động thái hợp tác. Đại diện Công ty Ajinomoto VN cho biết: “Chủ trương của công ty là không phát ngôn, cung cấp thông tin về vấn đề này”!