Vắng vẻ, trầm lắng… là những điều dễ thấy khi đến với làng lụa Vạn Phúc kể cả những ngày cuối tuần. Phố lụa dường như mất đi nét đặc trưng nổi tiếng vốn có, giờ đây giống như chợ với đủ loại quần áo thời trang.
Ảnh: Người Hà Nội Ngoài những khó khăn chung của các làng nghề trong cả nước do tình hình kinh tế khó khăn, làng lụa Vạn Phúc Hà Đông, Hà Nội hiện rơi vào tình trạng cả chủ lẫn khách không còn mấy mặn mà với sản phẩm này. Thay vì bán những sản phẩm truyền thống của làng nghề, giờ đây nhiều chủ cửa hàng đã nhập cả hàng Trung Quốc về bán nhằm tạo thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng. Tuy nhiên, hầu hết các chủ cửa hàng không niêm yết cũng như không giải thích rõ ràng lụa Vạn Phúc hay lụa Trung Quốc khiến nhiều khách hàng bị nhầm lẫn.Dễ thấy điều này khi quan sát một cửa hàng. Chờ đợi cả buổi sáng, một cửa hàng ở phố lụa mới có vài khách đến xem hàng. Chị Nguyễn Thị Phiên, chủ cửa hàng cho biết: “Nhu cầu của khách giờ đa dạng. Người ta thích hàng rẻ thì cũng có hàng giá rẻ nhưng tơ tằm ít, giá cao thì tơ tằm nhiều hơn”.Được hỏi về bí quyết chọn lụa, chị Nguyễn Thị Thúy, Đông Anh, Hà Nội nói: “Lụa thật thì sờ mát tay, mềm, còn lụa Trung Quốc thì có chất nhựa, nilon. Mình đi mua thì chỉ thích vải lụa đúng của Hà Đông thôi chứ các loại khác thì không thích”.Liệu người tiêu dùng đang quay lưng với lụa Vạn Phúc? Câu hỏi khiến một người đã gắn bó gần trọn đời với nghề như nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh trăn trở. “Ngành dâu tằm của Việt Nam mình chưa ổn định, chưa được quan tâm thỏa đáng nên chúng tôi không có chỗ dựa để sản xuất, chúng tôi muốn người tiêu dùng nhận biết được đúng vải lụa Vạn Phúc thì trước sau gì cũng phải dệt thương hiệu trên biên vải…”.Gia đình ông Chỉnh đã tiên phong trong việc dệt tên thương hiệu vào biên vải từ cách đây vài năm. Dệt thương hiệu vào biên vải, tức sẽ gắn tên người sản xuất và thương hiệu làng nghề với sản phẩm. Ông Chỉnh xem đây là cách để bảo vệ thương hiệu lụa Vạn Phúc, nhưng khó khăn là phải đầu tư hiệu chỉnh máy móc, nên hiện nay số hộ làm được điều này ở Vạn Phúc vẫn không nhiều.Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch hiệp hội làng nghề Việt Nam: “Vùng nguyên liệu của chúng ta không ổn định, thiếu nhiều thứ, nguồn về sợi không đảm bảo liên tục, vốn không dư thừa, từ đó người ta chạy sang lĩnh vực trộn bán hàng giả, hàng Trung Quốc không riêng gì Vạn Phúc mà cả như gốm Bát Tràng cũng vậy. Chúng ta chỉ có thể cảnh tỉnh người làm hàng phải tôn trọng, cố gắng lượng hàng hóa phải mang tính chất thuần Việt”.Lụa Vạn Phúc được biết đến với chất liệu nhẹ, mềm mại, nhưng nay thì các loại lụa được bày bán cũng đủ loại với chất lượng khác nhau. Làng Vạn Phúc bây giờ đa dạng các mặt hàng túi xách, quần áo nhập ngoại... phố lụa giống như một cái chợ thời trang, mà chỗ đứng của những sản phẩm lụa chính hiệu ngày càng bị thu hẹp lại. Chỗ đứng của thương hiệu lụa Vạn Phúc cũng đang chật hẹp hơn trong niềm tin người tiêu dùng.
Tác giả : Nguyễn Trang