Hôm nay:

Hàng Trung Quốc: Từ trà trộn đến lừa đảo!


Trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hãng bán lẻ quảng cáo nhiều sản phẩm công nghệ đến từ Anh, Pháp, Đức… nhưng thực tế lại là đồ Trung Quốc đội lốt. Các hãng bán lẻ dùng chiêu mới để lừa đảo “thượng đế” của mình.

Từ một nguồn tin




Trong thời gian qua, Tòa soạn Tạp chí Xã hội thông tin (XHTT) nhận được thông tin phản ánh từ độc giả về việc các Cơ quan quản lý thị trường cho biết hàng Trung Quốc (đặc biệt là các sản phẩm điện tử tiêu dùng nhanh) đang tràn ngập thị trường Việt Nam, nhưng đến bất kỳ nơi bán lẻ nào từ các Trung tâm mua sắm lớn cho đến các cửa hàng nhỏ cũng hiếm thấy có hàng Trung Quốc. “Nếu gặp hàng Trung Quốc tôi sẽ không bao giờ mua bởi chất lượng đã được biết trước khi mua. Những nhãn hàng lạ tôi thấy đều được chủ bán hoặc nhân viên kinh doanh khẳng định là của Pháp, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Philippines… mới được nhập về Việt Nam chứ không phải từ Trung Quốc”, anh Lâm – độc giả từ TP. HCM chia sẻ. Vậy hàng điện tử Trung Quốc trong các báo cáo hiện đang ở đâu?

Phóng viên của tòa soạn đã tiến hành điều tra sự việc theo yêu cầu của bạn đọc. Sự thực hé lộ khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về những biện pháp mà hàng Trung Quốc đến Việt Nam và cách mà giới buôn trong nước “phù phép” bán cho người tiêu dùng.

Da… hàng thịt




“X là thương hiệu TV hàng đầu thế giới của Pháp”, đó là đoạn quảng cáo của thương hiệu này được công bố rộng rãi. Nhiều khách hàng gặp những thông tin này đã nhầm tưởng X là thương hiệu của Pháp nên đã chọn mua hàng. Thực tế, X là một công ty điện tử đến từ Trung Quốc và việc mạnh mẽ quảng cáo chi tiết “chất lượng đến từ Pháp” bắt nguồn từ việc hãng này đã liên kết được thương hiệu Thomson SA (trước đó là Thomson Multimedia, bây giờ là Technicolor SA) của Pháp.

Trường hợp tương tự như câu chuyện của TV X không phải là một vấn đề cá biệt mà nó đang diễn ra một cách công khai trên thị trường Việt Nam với rất nhiều biến tướng nghiêm trọng. “Phổ biến nhất là những chiếc thẻ nhớ Flash với giá cực rẻ tràn lan khắp mọi nơi. Một chiếc thẻ 4GB thay vì có giả cả trăm nghìn thì bạn chỉ mua với giá chỉ chừng vài chục nghìn. Giá rẻ như vậy thì ai lại không mua nếu không biết đó là hàng Trung Quốc”, anh Hành – chủ một cửa hàng bán linh kiện máy tính trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. HCM) cho biết. “Bản thân tôi cũng bán những sản phẩm này, bởi người ta bán, mà mình không bán thì khác nào phải tự mình đóng cửa, dẹp tiệm. Điều đáng nói là ngay cả những cửa hàng bán đồ điện tử, tin học cũng bán những sản phẩm này và họ quảng cáo đó là của Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Malaysia… chứ không bao giờ dám nói trực tiếp rằng đó là đồ của Trung Quốc”.

Cần thông tin rành mạch




 “Trung Quốc đề ra chiến lược, cung cấp tiền cho các doanh nghiệp của họ đi mua thương hiệu hoặc hợp tác với các thương hiệu lớn của nước ngoài, từ đó, lợi dụng thương hiệu đó để quảng cáo cho sản phẩm của mình nhằm lừa gạt người tiêu dùng và gia tăng thị phần theo kiểu hồn Trương Ba, Da hàng thịt”, một chuyên gia cho biết. “Tập đoàn Thomson SA là một trong những tập đoàn lớn của Châu Âu và trong chính sách của Trung Quốc, công ty X đã liên kết thương hiệu với Thomson SA để làm nền tảng tham gia vào Châu Âu. Thỏa thuận hợp tác không được nêu rõ nhưng sau sự kiện này, công ty X quảng cáo để tạo cảm giác sản phẩm của mình đến từ Pháp”.

Không chỉ có công ty X mà gần như mọi công ty Trung Quốc đều có hướng đó, Lenovo sử dụng thương hiệu máy tính của hãng Gateway (Mỹ), tập đoàn gia dụng Haier sau khi mua một số nhà máy của Sanyo (Nhật) sẽ dùng thương hiệu Sanyo cho tất cả sản phẩm của mình khiến nhiều người lầm tưởng đó là những sản phẩm mới của Sanyo (Nhật) nhưng thực chất lại là của Trung Quốc. Riêng ở những nhóm sản phẩm đơn lẻ như chuột, bàn phím, pin, ổ cứng, thẻ nhớ, màn hình, TV, adapter, modem, sạc pin… thì hãng Trung Quốc không ngại ngần dùng ngay các tên thương hiệu nhái, na ná hoặc sao chép y chang tên thương hiệu có tiếng của nước ngoài như Sony, Dell, Acer, Asus, IBM, LG, Samsung, Toshiba… để ăn theo.

Về phía người tiêu dùng, theo một nhà quan sát, thì trước khi đi mua các món hàng, nên kiểm tra trước trên mạng. “Thông tin trên mạng có rất nhiều, nếu còn chưa rõ thì có thể lên các diễn đàn để hỏi, nhiều người sẽ có nhiều thông tin hơn và sẽ khó bị lừa hơn. Thà mua chậm vài ngày còn hơn mua nhanh vì ham rẻ rồi cuối cùng tiền mất, tật mang”. Bên cạnh đó, “thực tế hiện nay yêu cầu chúng ta cần có các cơ chế thanh tra, kiểm tra một cách minh bạch và thông tin rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của các loại sản phẩm để tránh tình trạng lừa dối người tiêu dùng như trên. Nếu như chúng ta dán tem nhập khẩu nguồn gốc cho rượu… thì tại sao không làm với hàng điện tử hay dùng một cơ chế tương tự. Trong kinh doanh, đạo đức đứng hàng thứ nhất, nếu chỉ chạy theo lợi nhuận thì một thời gian sau, những địa chỉ hoạt động bá đạo cũng sẽ bị đào thải mà thôi”.


Hà Quyên

No comments:

Post a Comment

Older Post:

Newer Post:

Auto Scroll Stop Scroll