Hôm nay:

Hàng giả Trung Quốc đang đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ


(Tamnhin.net) - Mạng tin "Top Secret Writer" của Mỹ ngày 27/6 trích báo cáo gần đây của Thượng viện Mỹ cho biết, các cơ quan chức năng của Mỹ vừa qua phát hiện hơn 1 triệu phụ tùng quân sự giả được sản xuất ở nước ngoài, trong đó trên 70% tại Trung Quốc, rồi cung cấp cho quân đội Mỹ. Các phụ tùng giả đó được phát hiện trong một số vũ khí quân sự quan trọng của Mỹ.
Chất lượng không bảo đảm của các phụ tùng quân sự có thể dẫn đến phá hủy hoặc không sử dụng được hệ thống vũ khí, từ đó gây hậu quả nghiêm trọng không những cho tính mạng của các nhân viên quân sự mà cả an ninh quốc gia. Bản báo cáo khẳng định các loại phụ tùng quân sự giả có nguồn gốc từ Trung Quốc hiện rất phổ biến và đang ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ.

Mặc dù các kết quả nghiên cứu của Thượng viện Mỹ rất rõ ràng, nhưng Chính quyền gần như không có biện pháp gì để giải quyết vấn nạn đó. Báo cáo của Thượng viện Mỹ là kết quả sau mấy năm điều tra và nghiên cứu nhằm xác định phạm vi và nguồn gốc của các phụ tùng giả trong dây chuyền cung cấp các loại trang thiết bị quân sự của Mỹ. Sai phạm trong dây chuyền cung cấp trang thiết bị quân sự là cho phép các nhà thầu phụ đặt mua và sử dụng các thiết bị điện tử giả. Báo cáo chỉ rõ các nhà thầu quân sự Mỹ không chú trọng tiến trình kiểm soát chất lượng cơ bản và chia sẻ thông tin về các loại hàng hóa đặt mua.

Ngoài ra, bên cạnh việc không ủng hộ tiến trình điều tra nghiên cứu, Chính phủ Trung Quốc còn gây nhiều khó khăn cho nhân viên điều tra của Mỹ bằng cách không cấp thị thực cho họ đến Trung Quốc lục địa. Và Trung Quốc cũng bị quy kết không ngăn chặn các nguồn cung cấp hàng giả tung ra toàn cầu. Hiện nay, tới 80% các loại hàng giả trên thế giới có nguồn gốc từ Trung Quốc. Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi một số hàng giả của Trung Quốc đã tìm cách thâm nhập dây chuyền cung cấp quân sự của Mỹ.

Bản báo của Thượng viện Mỹ nhấn mạnh hai vấn đề hiện đang gây nhiều rắc rối cho Mỹ là (1) các loại phụ tùng giả của Trung Quốc đang nằm trong dây chuyền cung cấp quân sự và (2) mối đe dọa của gián điệp mạng Trung Quốc ngày càng tăng. Tin hay không tin bản báo cáo, quân đội Mỹ vẫn lệ thuộc công nghệ từ thế kỷ trước. Nhiều máy bay chiến đấu, khoa học điện tử áp dụng trong ngành hàng không, việc sử dụng các loại con chip và phụ tùng hiện không còn được sản xuất. Vấn đề là, trong một thế giới đang thay đổi chóng mặt về công nghệ cao, chu kỳ tuổi thọ của các sản phẩm đã giảm tới 18-24 tháng. Điều này có nghĩa, về kỹ thuật các loại phụ tùng nhanh lạc hậu hơn nhiều trước đây.

Thực tế, các bộ phận cũ khó có thể tìm thấy trên các thị trường. Nhưng vấn đề phụ tùng nhanh lạc hậu không phải là mới. Năm 2004, Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo các vi mạch trong hệ thống sản xuất mới của Bộ Quốc phòng chuẩn bị đến giai đoạn cuối của chu kỳ tuổi thọ. Nhưng những sản phẩm vi mạnh này không còn được sản xuất nữa. Ngay lúc đó, Trung Quốc, thủ đô rác thải điện tử của thế giới, nhảy vào lấp chỗ trống. Trung Quốc là nơi chứa tất cả loại máy tính, máy in, điện thoại di động cũ và các mặt hàng điện tử khác được gọi là rác thải điện tử.

Loại rác thải điện tử này tỏ ra là một vận may hiếm có cho các nhà cung cấp có động cơ trục lợi của Trung Quốc và các nhà thầu con vô nguyên tắc của Mỹ. Các công ty nhỏ ở Trung Quốc chịu khó tháo gỡ và bán lại các rác thải điện tử. Nhưng chất lượng của các nguồn cung cấp này là vấn đề đáng lo ngại: thay vì sử dụng các căn phòng sạch sẽ, rác thải điện tử được tháo gỡ bằng tay, được cọ rửa ở các dòng sông bẩn thỉu và được phơi khô trên các hè phố đầy bụi bặm. Ngoài vấn đề chất lượng kém, một nghề thủ công vi mạch tái chế đã phát triển mạnh ở Trung Quốc. Điều này có nghĩa, chất lượng của các bộ phận sẽ bị kém do tiến trình tái chế sản phẩm lạc hậu và gian lận hoàn toàn.
Rõ ràng các bộ phận không đạt tiêu chuẩn nói trên sẽ đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ. Theo báo cáo của Thượng viện, các nhà thầu phụ của Mỹ đã chọn mua các sản phẩm kém chất lượng từ các nhà cung cấp không có chuyên môn ở Trung Quốc, trong khi các phụ tùng chất lượng của các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) không thiếu trên các thị trường. Điều này sẽ giúp các công ty thiếu trách nhiệm của Mỹ tìm cách tuồn các bộ phận kém chất lượng của Trung Quốc vào dây chuyền cung cấp quân sự. Không ai có thể lường trước những rủi ro từ các phụ tùng kém chất lượng, đặc biệt các phụ tùng quân sự. Các đặc điểm kỹ thuật quân sự đòi hỏi yêu cầu cao nhất, do tính khắc nghiệt của môi trường tác chiến. Vì vậy, việc mua sắm các phụ tùng quân sự phải thường xuyên chú trọng các tiêu chuẩn chất lượng cao. Nhưng thật đáng tiếc, các tiêu chuẩn đó không được coi trọng từ chính phủ của cựu Tổng thống Mỹ Clinton - nghĩa là các loại hàng hóa chất lượng kém vẫn có thể được mua.

Trong báo cáo của MDA gửi Thượng viện, chỉ 20% các loại phụ tùng được thử nghiệm là cấp quân sự, trong khi đó 50% ở cấp công nghiệp và 30% là thương mại hoặc thấp hơn. Điều đó có nghĩa an ninh của Mỹ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhiều nhân tố, trong đó có các nhà cung cấp hàng giả của Trung Quốc, các nhà thầu phụ và nhà thầu chính vô trách nhiệm của Mỹ. Nghiên cứu của Thượng viện Mỹ cho biết, ngoài tổng số 387 công ty và tổ chức tham gia cuộc nghiên cứu từ năm 2005-2008, đại diện tất cả các cơ quan của dây chuyền cung cấp, 39% nhà nghiên cứu phát hiện các linh kiện điện tử giả trong giai đoạn 4 năm.

Hơn nữa, thông tin thu thập được còn cho thấy số lượng các loại hàng giả bị phát hiện ngày càng lớn, tăng từ 3.868 trường hợp năm 2005 lên 9.356 trường hợp năm 2008. Các trường hợp hàng giả đó bao gồm các bộ phận và phụ tùng khác nhau của Bộ Quốc phòng. Do đó, tiếp theo những phát hiện của Văn phòng Trách nhiệm giải trình trực thuộc Chính phủ (GAO) năm 2004, rõ ràng tình hình hàng giả ngày càng nghiêm trọng hơn. Nghiên cứu của Thượng viện chỉ rõ các phụ tùng và gián điệp Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ nên không thể bỏ qua. Báo cáo khẳng định các nhà thầu Mỹ phạm tội do nhiều nguyên nhân như: thiếu trách nhiệm thanh tra các đơn đặt hàng, không quản lý dây chuyền cung cấp và không nhận thấy tệ nạn hàng giả đang tràn lan trên thế giới.

Thực tế, vấn đề báo cáo và tìm hiểu các công ty làm hàng giả tại Trung Quốc của các nhân viên điều tra người Mỹ gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, vừa qua Cơ quan Hậu cần Quốc phòng của Mỹ chỉ điều tra được 4 trong số 37 nhà cung cấp hàng giả của Trung Quốc. Đáng chú ý, chỉ 36 trong số 93 nhà thầu chuyên cung cấp các loại phụ tùng quân sự giả của Trung Quốc ở trong một danh sách đặc biệt được gọi là DCRL. Danh sách này bao gồm tên của các nhà cung cấp các phụ tùng giả. Nhưng trước tệ nạn hàng giả nghiêm trọng như vậy, Chính phủ Trung Quốc cho rằng, vấn đề hàng giả không phải công việc của họ.

Tệ hơn nữa, Chính phủ Trung Quốc không cấp thị thực cho các nhân viên người Mỹ đến Trung Quốc để tiến hành điều tra các loại hàng giả. Một quan chức Sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cảnh báo các vấn đề được đề cập trong các cuộc điều tra rất nhạy cảm và nếu các kết luận điều tra không tích cực, chúng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Vì vậy, Trung Quốc sẽ không ủng hộ và không giúp đỡ các cơ quan của Mỹ đến điều tra hàng giả tại Trung Quốc. Một lý do quan trọng khác liên quan đến phản ứng tiêu cực của Trung Quốc là Bắc Kinh rất lúng túng trước nạn hàng giả của Trung Quốc đang tràn lan khắp toàn cầu.

Báo cáo của Thượng viện Mỹ cho biết, các nhà máy Trung Quốc hiện có hàng nghìn công nhân đang sản xuất các loại hàng giả. Tình hình này sẽ biến Trung Quốc trở thành nơi sản xuất các loại hàng hóa giả. Thực tế, năm 2011, 80% các vụ tịch thu trên cơ sở Quyền Sở hữu Trí tuệ có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cũng năm 2011, tỷ lệ vụ tịch thu qua biên giới trên cơ sở Quyền Sơ hữu Trí tuệ tăng 400%.

Lê Chân

Older Post:

Newer Post:

Auto Scroll Stop Scroll