Ống hút, túi hộp đựng thực phẩm được sản xuất từ nhựa tái chế bẩn mà chưa được xử lý hoá học ngày ngày vẫn tuồn bán ra ngoài thị trường. Đây là những gì đang diễn ra ở làng Minh Khai (hay còn gọi là làng Khoai), thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên.
Rùng mình xem tái chế “nhựa bẩn”
Tuy không phải là một cơ sở tái chế nhựa “có tiếng” nhưng nhà anh Hùng cũng có khoảng gần chục lao động đang say sưa với mỗi người một việc. Người đứng cho nhựa vào máy, tạo hạt, người đứng máy thổi màng với những động tác hết sức khẩn trương.
Khó có thể tin được chỉ với một bể nước rộng chừng 3m2 lại là nơi “phù phép” làm sạch hàng chục tấn nhựa, túi nilon bẩn. Trong cái xưởng hẹp, mùi nhựa tái chế nặng mùi khét lẹt. Chốc chốc, anh Thuận, một công nhân lại phải rời chiếc máy nấu nhựa để chạy ra ngoài vì không chịu được mùi.
Sau khi dẫn đi thăm dây chuyền tái chế nhựa của mình, anh Hùng than thở: “Mãi năm vừa rồi vợ chồng tôi mới dành dụm vốn liếng được mấy trăm triệu để trang bị được hệ thống máy này đấy. Không có vốn, chúng tôi chỉ thổi túi nilon được như thế này thôi”
Rác thải y tế cũng tái chế
Theo như chia sẻ của anh Hùng thì mỗi ngày cơ sở của gia đình anh sản xuất được khoảng 500 chiếc túi nilon. Thậm chí có hộ sản xuất được hàng nghìn chiếc túi mỗi ngày.
Nếu làm phép tính cả làng đang có hơn 700 hộ sản xuất túi nilon như gia đình anh Hùng thì mỗi ngày có hàng chục vạn chiếc túi nilon tái chế ở làng Khoai tuồn đưa ra thị trường. Ai có thể đảm bảo rằng những chiếc túi này đảm bảo vệ sinh khi chưa có một cơ quan nào tiến hành kiểm tra?
Việc kiểm tra quản lý mức độ vệ sinh ATTP ở làng Khoai ở mức báo động. Theo như người dân thì cũng chưa có cơ quan chức năng nào xuống kiểm tra về An toàn vệ sinh thực phẩm.
Thực tế thì khâu xử lý nilon thành phẩm ở làng Khoai rất thủ công, không một khâu nào được qua xử lý hoá học. Sau khi tái chế ra túi nilon thành phẩm sẽ bán ra thị trường.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thắng, phó chủ tịch thị trấn Như Quỳnh cho hay: “Việc ảnh hưởng từ làng nghề đến môi trường và sức khoẻ của người dân thì chúng tôi cũng biết. Nhưng tìm lời giải của bài toán môi trường với chúng tôi thì quá khó.” Cũng theo ông Thắng, sản phẩm tái chế nhựa là túi đựng thức ăn, thực phẩm, ống hút nhựa. Việc đảm bảo vệ sinh cho những sản phẩm trên là rất khó.
Chúng tôi bị ám ảnh bởi lời ông Thắng trước khi chia tay: “Không tin được. Chỉ cách đây 2 tuần chúng tôi đã phát hiện một số hộ dân làng Khoai còn tận thu mua luôn các sản phẩm rác thải y tế dùng trong các bệnh viện để tái chế”.
Có khi nào bạn nghĩ đồ dùng từ nhựa mà bạn đang dùng lại được sản xuất từ rác thải y tế ở làng Khoai
(Theo Bee.net)