Hôm nay:

Chuyện dài an toàn thực phẩm Trung Quốc: Tảo spirulina nhiễm chì

Ngày 10-4, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc (SFDA) bác bỏ cáo buộc bao che xì-căng-đan tảo spirulina nhiễm chì của giới truyền thông. Nhưng không có lửa làm sao có khói?
Từ đầu năm, dư luận quần chúng và một số tờ báo Trung Quốc phản ánh “thực phẩm kỳ diệu” spirulina – một loại tảo xoắn giàu đạm, vitamin và axít amin - bán trên thị trường Trung Quốc dưới dạng viên nén bị nhiễm chì, thạch tín và thủy ngân, toàn là kim loại nặng độc hại, quá mức cho phép. Người ta còn chỉ đích danh những nhãn hiệu danh tiếng như By-Health và Green A.
SFDA tự mâu thuẫn
Tháng 2 vừa qua, SFDA mở một đợt kiểm tra đặc biệt thực phẩm chức năng tảo spirulina dạng viên nén. Ngày 30-3, SFDA chính thức thông báo kết quả kiểm tra 13 nhãn hiệu tảo spirulina trên trang web của mình. Các nhà điều tra nói đã phát hiện 3 nhãn hiệu là hàng giả (Onice, Conice, Hongyangshen) và 1 nhãn hiệu (Cont-healthy) của Công ty Dược phẩm Xinfulai, tỉnh Phúc Kiến, chứa hàm lượng chì và thạch tín vượt mức cho phép. Conice và Cont-healthy được quảng cáo có xuất xứ từ Mỹ còn Onice là sản phẩm của Úc.


Trại nuôi trồng tảo spirulina ở hồ Trịnh Hải, Vân Nam. Ảnh: PLANET BIO

Cũng theo thông báo trên, sản phẩm tảo spirulina của 9 công ty Green-A, By-Health, Jinaoli, Chenghai Lake, Green Classic, B&H, Shengaolikang, Gaozhi và Shirulan đều chứa hàm lượng chì trong giới hạn cho phép là 2 mg/kg sản phẩm.

Thông báo trên làm giới truyền thông Trung Quốc thật sự bất ngờ. Bởi ngày 29-2 và sau đó ngày 5-3, SFDA gửi thông báo nội bộ cho các chi nhánh cấp tỉnh và các cơ quan trung ương có nội dung hoàn toàn khác được hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã (THX) đưa tin. Bản tin THX còn cho biết tảo spirulina của Trung Quốc bị nhiễm chì tràn ngập thị trường và nêu tên 13 sản phẩm tình nghi nhiễm chì, thạch tín và thủy ngân vượt mức cho phép.
Tất cả các nhãn hiệu của 9 công ty đều chứa kim loại chì vượt chuẩn quốc gia, do đó bị xếp vào loại kém chất lượng cần thu hồi. Vậy mà 1 tháng sau, tên 9 công ty đều “biến mất”.
SFDA vốn có tiền án tiền sự trong quá khứ mà đỉnh điểm là vụ cựu cục trưởng SFDA Trịnh Tiêu Du bị xử tử hình năm 2007 về tội ăn hối lộ. Liệu lần này các quan chức SFDA có đi theo vết xe cũ hay không? Theo nhật báo Tham chiếu Kinh tế thuộc Tập đoàn THX, một số người trong các công ty có vấn đề giải thích rằng sở dĩ có chuyện “không đạt chuẩn” biến thành “đạt chuẩn” là nhờ có chiến thuật PR (quan hệ công chúng) phù hợp với SFDA.
 0,5 mg/kg hay 2 mg/kg?
Để làm sáng tỏ nghi vấn SFDA có ăn hối lộ hay không, THX tổ chức một cuộc điều tra riêng, mang 8 mẫu thực phẩm chức năng spirulina dạng viên nén mua tại các cửa hàng thuốc tây, siêu thị và trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hồ Bắc đem đi xét nghiệm tại các cơ quan kiểm định chất lượng độc lập.


Tảo spirulina Green A nhiễm chì vẫn còn được bày bán trên kệ siêu thị 
Bắc Kinh sau khi bị SFDA đánh giá “không đạt chuẩn”. Ảnh: T.L
Kết quả cho biết 6/8 mẫu đều bị nhiễm chì, thạch tín và thủy ngân vượt chuẩn. Đặc biệt, viên tảo mang nhãn hiệu Mỹ Cont-healthy chứa hàm lượng chì vượt mức đến 820%! Có nghĩa là ai uống nhầm sản phẩm này sẽ bị đau bụng, thiếu máu và động kinh. Các hệ tiêu hóa, thần kinh và sinh sản bị tổn hại.

Điều đáng nói là các mẫu đem đi xét nghiệm của THX đều được kiểm định hàm lượng kim loại nặng theo mức tối đa cho phép là 0,5 mg/kg đối với mọi sản phẩm. Đây là tiêu chuẩn quốc gia do Cục Giám định Kỹ thuật Nhà nước ban hành năm 1997 áp dụng cho mọi sản phẩm, đến nay vẫn còn hiệu lực. Trong khi đó, trong thông báo ngày 30-3, SFDA lại dùng chuẩn 2 mg/kg sản phẩm để đánh giá chất lượng tảo spirulina dạng viên nén. Theo bảng chuẩn quốc gia, mức 2 mg/kg sản phẩm chỉ áp dụng cho bột uống và viên bao con nhộng.
Tại sao SFDA lại nhập nhằng giữa viên nén và viên bao con nhộng khi đánh giá sản phẩm tảo spirulina của 9 công ty nói trên? Tờ Tin tức Bắc Kinh đặt vấn đề với SFDA. Câu trả lời của SFDA là “chưa có tiêu chuẩn rõ ràng đối với viên nén tảo spirulina. Chuẩn 2 mg được hầu hết chuyên gia chấp nhận vì liều lượng tương đương với bột uống. Họ còn cho biết tiêu chuẩn của châu Âu cao hơn nhiều, đến 3 mg/kg”.
Tờ Tham chiếu Kinh tế cũng thắc mắc: “Nhưng cách đây 1 tháng, tại sao các quan chức SFDA tuyên bố với báo chí rằng họ dùng chuẩn 0,5 mg/kg?”. Cũng theo tờ báo này, do 2 thông báo của SFDA “chửi nhau”, ngày 9-4, Viện Công tố Bắc Kinh đã mở một cuộc điều tra các quan chức SFDA theo hướng nghi vấn tham nhũng. Tờ Tham chiếu Kinh tế đã cung cấp cho các công tố viên những chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra riêng.
Chưa được quan tâm đúng mức
Giải thích thái độ bất nhất của SFDA, ông Dali Yang, giáo sư chính trị học Trường Đại học Chicago, nhận xét rằng tuy có cố gắng cải thiện tính minh bạch và tăng cường kiểm tra chất lượng dược phẩm, SFDA thiếu nhân sự có chất lượng và bị quá tải. Theo chuyên gia về SFDA này, công tác kiểm tra chất lượng thảo dược ở Trung Quốc đã không được quan tâm đúng mức và đó là kẽ hở để những kẻ xấu – những công ty sản xuất tảo spirulina vô lương tâm - lợi dụng.
THX dẫn lời một người giấu tên am hiểu tình hình ở tỉnh Vân Nam, nơi cung cấp 40% tảo spirulina nuôi trồng trong hồ Trinh Hải cho khắp thế giới, cho biết: “Các công ty thường dùng bột tảo thứ cấp có hàm lượng chì, thạch tín và thủy ngân rất cao để bào chế viên nén tảo spirulina. Làm như vậy, công ty giảm được giá thành sản phẩm và thu được lợi nhuận lớn”.
Kỳ tới: Thịt heo “ăn là ghiền”
NGUYỄN CAO

Older Post:

Newer Post:

Auto Scroll Stop Scroll