Trước thông tin hàng nghìn viên nhộng làm từ xác thai nhi xuất xứ Trung Quốc bị hải quan Hàn Quốc bắt giữ, Cục Quản lý Dược khẳng định không cấp phép nhập khẩu loại thuốc này vào Việt Nam và yêu cầu các địa phương kiểm tra thị trường.
Hải quan Hàn Quốc cho biết đã thu giữ hàng nghìn viên thuốc làm từ xác thai nhi xuất xứ từ Trung Quốc. Ảnh: Metro. |
Trao đổi với VnExpress.net hôm 9/5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định tại Việt Nam không cho phép đăng ký, sản xuất nhập khẩu và lưu hành sản phẩm thuốc làm từ xác thai nhi.
Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, Cục đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phối hợp với các cơ quan chức năng như hải quan, quản lý thị trường, Bộ công an… tăng cường kiểm tra, rà soát. Nếu phát hiện loại thuốc này, các lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trước lo ngại nhiều khả năng thuốc làm từ xác thai nhi của Trung Quốc có thể tuồn vào Việt Nam theo đường xách tay từ nước ngoài, Cục Quản lý Dược khuyến cáo người dân không mua, bán, sử dụng các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Nếu phát hiện các sản phẩm thuốc không rõ nguồn gốc cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp xử lý.
Phản hồi về vụ việc trên, Bộ Y tế Trung Quốc thông báo vẫn chưa tìm thấy một viên thuốc chứa bột xác thai nhi trên lãnh thổ nước này. Tờ China Daily dẫn lời ông Deng Haihua, phát ngôn viên Bộ Y tế Trung Quốc cho biết, cơ quan chức năng vẫn đang sẽ tiếp tục điều tra các thông tin mà Hàn Quốc đã đưa ra.
Từ tháng 8/2011 đến nay, cơ quan chức năng Hàn Quốc đã phát hiện 35 vụ buôn lậu thuốc và thu giữ tổng cộng 17.450 viên nang "con nhộng" được biết đến với tên gọi "thuốc tăng cường khả năng chịu đựng" xuất xứ từ Trung Quốc. Kết quả kiểm tra cho thấy những viên nang này chứa siêu vi khuẩn gây hại cho cơ thể người.
Một số bệnh viện và cơ sở nạo phá thai ở Trung Quốc được cho là tiếp tay cho các vụ phạm pháp trên, bằng cách mỗi khi có một thai nhi chết lưu hoặc được phá, họ sẽ thông báo cho các công ty biết. Sau đó thi thể của những thai nhi này được công ty kia mua nghiền thành bột, trở thành nguyên liệu của những viên nang con nhộng rồi bán ra thị trường. Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy 99,7% bột thuốc chứa trong viên nang đó chính là thịt người.
Thi Trân - Nam Phương