Kinh hoàng 'công nghệ' chế biến nước mía
Nước mía là thứ đồ uống “hot” của mùa hè và được ưa chuộng bởi cái mác “siêu rẻ” và “siêu sạch”. Nhưng nếu quan sát kỹ công nghệ chế biến, nhiều người không khỏi “hãi hùng”.
Trong cái nắng như đổ lửa, chúng tôi dạo quanh một vòng Hà Nội và nhận thấy: Vỉa hè trên các con đường lớn nhỏ hầu như đều được “tận dụng” dựng "lán" bán nước mía. Cứ tầm gần trưa, quán nào cũng đông nghịt khách. Khó khăn lắm, chúng tôi mới len được vào một quán ở đầu đường Vạn Bảo, phường Kim Mã, quận Đống Đa. Chị chủ cửa hàng tầm ngoại tứ tuần đon đả mời chào: “Vào đây em, uống nước cho mát, nước mía hàng chị ngọt mà sạch nhất ở đây đấy”.
Siêu sạch hay siêu bẩn?
Với vỉa hè chưa đầy 40m2 có tới ba quán nước mía, chúng tôi chọn quán giữa. Lúc này, chục chiếc bàn nhựa không còn ghế trống, nhìn vẻ mặt ai cũng rất sảng khoái sau khi rít một hơi cốc nước mía “siêu sạch” giữa cái nóng oi ả của mùa hè.
Chiếc máy ép lâu không được lau chùi đầy cáu bẩn. |
Ngay cạnh đó, chị chủ hàng tay trần thoăn thoắt nhét những đoạn mía được gọt sẵn vỏ vào chiếc máy ép đã hoen ố. Nhìn kỹ, có thể thấy chiếc máy ép dùng đã lâu mà không được lau chùi, những mảng cáu bẩn màu đen kịt bám quanh hai bên đầu bộ phận ép và cả khung máy. Dưới chân bà chủ, bã mía vương vãi, nước mía rớt ra từ máy ép nhớp nháp dưới nền, chỉ “sướng” lũ ruồi tranh nhau thưởng thức...
Có lẽ nắng nóng quá, lại đông khách nên thi thoảng bà chủ đang cầm đoạn mía ép dở, lại đưa tay lên trán quệt mồ hôi nhễ nhại. Rồi như một phản xạ tự nhiên, bà chùi chùi tay xuống chiếc quần lụa đen đang mặc và vẫn bàn tay ấy - cho mía vào... máy ép.
Chán nản, tôi liếc mắt sang quán bên cạnh thì đập vào là hình ảnh người đàn ông râu ria xồm xoàm đang hồn nhiên cho bàn tay “không lấy gì làm sạch sẽ” vốc đá vào cốc. Đựng đá là một thùng cách nhiệt của Pepsi cũ kĩ, đoạn bản lề đóng mở nắp của thùng cũng cáu bẩn không kém cạnh với chiếc máy ép hàng tôi đang ngồi. Chỉ nhìn đến đó, cũng đủ phát ớn, còn nghĩ gì đến chuyện thưởng thức nước mía “ngọt mà sạch” của bà chủ quán.
Chiếc thùng đựng đá cũng không "kém cạnh". |
Khuất mắt trông coi!
Lang thang “tìm hiểu” thêm một vài quán nước mía vỉa hè nữa ở các khu vực đường Khương Hạ, Lê Trọng Tấn, Bách Khoa mới thấy “công nghệ’ chế biến nước mía “sạch” cũng chẳng khác nhau là mấy. Tìm hàng treo biển quảng cáo “mía đá sạch” thì dễ mà tìm hàng chế biến sạch sao mà khó.
Theo quan sát, hầu hết những khách hàng uống nước mía có thể dễ dàng thấy được các bước để tạo ra thành phẩm ra sao vì các máy ép đều được đặt ngay cạnh nơi khách ngồi. Nhưng không hiểu vì trời quá nóng bức nên người ta không để ý hay là vì “khuất mắt trông coi” mà họ không hề quan tâm đến sức khỏe của mình.
Khi được hỏi về công nghệ chế biến nước mía, Kim Ngân, sinh viên ĐH Hà Nội, cho biết: “Mình và hội bạn cũng để ý thấy người ta làm chẳng sạch sẽ gì nhưng những lúc đấy vừa mệt vừa khát, uống cho đã chứ còn nghĩ gì được nữa”.
Còn một nhóm người đang thưởng thức nước mía tại đầu ngõ 29 Khương Hạ thì xua tay: “Ôi dào, bây giờ cái gì chẳng vậy, cứ để ý sạch hay không có mà chết đói, hàng nào mà chẳng như hàng nào, có riêng gì nước mía”.
Bà chủ dùng tay trần ép nước mía cho khách. |
Điều đáng nói là hầu hết các hàng nước mía vỉa hè hiện nay đều không có giấy chứng nhận VSATTP vì đơn giản chẳng có cơ quan chức năng nào đi kiểm tra. Khi chúng tôi hỏi về giấy này, chị Hoàng Bích Ngọc, chủ một hàng nước mía trên đường Tạ Quang Bửu, cho biết: “Bọn chị ngày bán ngày không, có phải thuê cửa hàng đâu, địa điểm bán cũng không cố định nên người ta cũng chẳng để ý, mà giấy chứng nhận VSATTP cũng chỉ là cái “thủ tục” thôi, quan trọng gì, khách vẫn đông là được!”
Theo Đất Việ
No comments:
Post a Comment